A mother's love is boundless and forever... In commemoration of the 100th anniversary of International Women's Day, March 8 (1911-2011)
Bao la lòng mẹ
Nguồn: Tố Trâm / Người Lao Động
Ngày 07/03/2011
Cao thượng, bao dung
Với pháp luật và xã hội, họ là những người phạm tội tày trời, khó nhận được sự thứ tha, thậm chí đáng trăm lần chết.
Nhưng đối với những người mẹ, dù con bất hiếu hay phạm tội ác, dù xã hội lên án, phỉ nhổ, thì vẫn là đứa con mà họ mang nặng đẻ đau, bón từng muỗng sữa, miếng cháo, hạnh phúc khi nhìn con lớn lên từng ngày. Vậy nên, họ đủ sức vượt qua bao khó khăn, nghiệt ngã, đủ sức thứ tha và tiếp tục hy vọng...
Tiếc rằng, đến khi các bị cáo cảm nhận được sự hy sinh tuyệt đối của mẹ qua cái dáng tất tả ngược xuôi, những giọt nước mắt mặn đắng trên gương mặt héo hắt; hiểu được nỗi đau mình đã gieo cho đấng sinh thành, muốn làm gì đó để xin lỗi thì có khi đã quá muộn màng.
* * *
Đến tòa từ sáng sớm; xách theo lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống; tất tả chạy theo chiếc xe bít bùng để được nhìn và gọi tên con; khóc nức nở bởi mức án mà con phải chịu. Đó là mẫu số chung của các bà mẹ của bị cáo. Với những bà mẹ có con mang án chung thân, tử hình, nỗi đau đó còn nhân lên bội phần...Cạn nước mắt vì con
Bà ngồi ở hàng ghế sau cùng, chắp hai bàn tay trước ngực, khép mắt, miệng lẩm nhẩm và rồi hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi khi vị công tố đề nghị mức án tử hình cho bị cáo, là con của bà, bởi hai tội giết người, cướp tài sản.
“Nó sợ và hối hận lắm rồi. Mong sao ơn trên phù hộ cho nó được thoát chết lần này, chắc chắn không bao giờ nó dám làm gì sai trái nữa đâu”, bà nghẹn ngào mở đầu câu chuyện khi tôi hỏi thăm trong khi chờ tòa nghị án. “Chúng tôi nghèo lắm nhưng cũng biết dạy con không được vi phạm pháp luật. Nó hiền lành, lối xóm ai cũng biết. Cũng chịu khó xuống tận Bình Dương làm ăn... Bữa nghe tin nó bị công an bắt, tôi cứ nghĩ nó chạy xe sao đó chứ có ngờ đâu vì thiếu nợ bạn bè, nó lại làm cái chuyện như vậy...” - bà nói tiếp, rồi bất ngờ hỏi tôi: “Tòa tuyên xong rồi, mình có xin được không vậy cô? Nó mới 20 tuổi thôi...”.
Tòa tuyên án tử hình, vợ chồng bà đứng bần thần mãi trước cửa phòng xử. Trông thấy tôi, bà quệt nước mắt, kéo tay tôi, cuống quýt: “Nãy tòa nói làm đơn kháng cáo nhưng nó không biết chữ thì sao hả cô? Tiền không có để thuê luật sư, tôi phải đi đâu để nhờ người ta làm giùm bây giờ?”. Không đành lòng trước nỗi lo lắng đến thắt lòng của một người mẹ, sau khi hướng dẫn bà đến gặp thư ký phiên tòa để liên hệ, tôi đã ghi lại số điện thoại của mình để bà tiện liên lạc khi cần.
Vậy rồi, ngày đầu tiên của năm 2011, bà điện thoại cho tôi, khóc òa: “Cô ơi, phúc thẩm họ đã bác đơn rồi. Người ta nói chỉ trong hạn 7 ngày sau khi tòa tuyên án phải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá nhưng lại trúng những ngày nghỉ lễ, họ có tính không? Phải làm sao để cứu nó bây giờ?”. Tôi điện thoại cho một luật sư để nhờ chị tư vấn, hướng dẫn cách gửi đơn, chị sốt sắng nhận lời. Nghe tôi nói, bà mừng rỡ, rối rít cảm ơn.
Nhưng rồi không lâu sau đó... “Cô ơi, tôi nghe người ta nói Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của nó. Hết cách rồi...” - bà nức nở trong điện thoại. Cảm nhận nỗi đau như muối xát kim châm của bà nhưng tôi cũng không biết phải làm gì hơn. Pháp luật phải thực thi nhiệm vụ của nó để thiết lập trật tự xã hội. Chỉ thương cho những người mẹ như bà, vất vả nuôi con chưa một ngày được đáp đền công ơn sinh thành và nuôi dưỡng đã lại khóc cạn nước mắt vì con.
Những khoảng lặng đau đớn
HĐXX chấp nhận kháng cáo, bị cáo được thoát án tử hình. Chỉ nghe bấy nhiêu, người mẹ đã sụp xuống lạy HĐXX. Trước đó, trong khi chờ nghị án, bà thắc thỏm hết đứng lại ngồi, hết nhìn con đang cúi đầu sau vành móng ngựa lại lặng lẽ khóc. Rồi trong khi tòa tuyên đọc bản án, bà cứ chắp tay trước ngực, hồi hộp lắng nghe từng con chữ để rồi vỡ òa niềm vui trước quyết định cuối cùng của HĐXX. Đứa con trai bà mang nặng đẻ đau, từng là niềm tự hào của bà, điểm tựa tinh thần để bà có thể vượt qua những trận đòn roi sau mỗi cơn say của chồng, đã được sống.
Bà chỉ cần có thế cũng đủ bù đắp cho những tháng ngày đớn đau, vật vã khi con phạm tội tày đình: giết cha; đủ để bà sống nốt quãng đời còn lại dù chẳng mong gì được con đáp đền. Suốt hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ngoài nước mắt không ngừng tuôn rơi, người ta còn chứng kiến nỗi đớn đau, chua xót của bà khi buộc phải kể tội chồng, nhận hết trách nhiệm về mình với hy vọng đó là những tình tiết để có thể được xem xét giảm nhẹ. “Hễ say là ông ấy đánh đập vợ con. Tôi thì cứ nhẫn nhục chịu đựng khiến con cái bị ức chế mà không biết. Lần đó, nó không kiềm chế được... Xin tòa thương tình...” - bà nghẹn ngào.
Cách đây không lâu, tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ đã hoảng loạn và ngất xỉu khi đứa con trai lớn bị bác kháng cáo, y án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản. Bất lực nhìn cảnh mẹ đau đớn bởi hậu quả do mình gây ra, bị cáo tấm tức khóc và thảm thiết gọi: “Mẹ ơi!”. Nhưng tiếng gọi ấy rơi vào khoảng trống chơi vơi, người mẹ đã không thể nghe được. Tôi được em của bị cáo kể lại rằng trước khi xử sơ thẩm, để cầu xin ơn trên phù hộ cho con trai, người mẹ đã cạo đầu, ăn chay.
Lần đó, cấp sơ thẩm tuyên án tử, bà ngất xỉu và nằm viện cả tuần vì lên cơn đau tim. Phiên phúc thẩm, sợ bệnh tim bộc phát, các con không cho đi nhưng bà kiên quyết đòi đi để được nhìn mặt con. Họ đành phải chiều theo, để rồi vừa lo lắng cho anh trai vừa hồi hộp dõi theo sắc mặt của mẹ vì sợ một lần nữa bà lại không chịu đựng nổi... Hình ảnh cuối cùng sau phiên tòa là những bước chân luống cuống, vấp ngã liên tục của các con bà khi vừa gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu vừa cuống quýt xoa dầu; vuốt khuôn ngực thoi thóp của mẹ. Còn bà thì lịm dần đi như chẳng còn thiết sống...
http://nld.com.vn/2011030710353152p0c1019/bao-la-long-me.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét