Climate change is no longer a warning - it is happening as we speak and has immeasurable effects. Each individual needs to take the initiative to be well-informed and act promptly, if we are to preserve this planet - and the lives of several generations.
Biến đổi khí hậu và những hệ lụy khó lường
Bùi Minh Tuấn (Nghệ An)
Ngày 18/4/2011
(Dân trí) - Thảm họa động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 vừa qua cho thấy sức tàn phá ghê gớm! Theo các nhà khoa học, tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến những “cơn thịnh nộ” như vậy của thiên nhiên.
"Cơn giận" của thiên nhiên
Động đất và sóng thần không do nguyên nhân trực tiếp từ biến đổi khí hậu, nhưng hầu hết những thảm họa thiên tai như bão lũ, nước biển dâng, sa mạc hóa… đều có nguyên nhân từ tình trạng biến đổi khí hậu do chính con người gây nên, làm ảnh hưởng lớn đến hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngọai lệ.
Ở nước ta, biến đổi khí hậu thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, cả về số lượng lẫn cường độ. Trong khi tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài vào mùa hè kéo theo hạn hán dữ dội trên diện rộng, thì trong những năm gần đây số cơn bão có cường độ mạnh cũng xuất hiện nhiều hơn. Nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển bất thường, phức tạp, khó dự đoán và mùa mưa bão cũng kết thúc muộn hơn.
Cùng với sự nóng lên của bề mặt trái đất, nhiệt độ trung bình của các khu vực ở nước ta cũng tăng lên. Theo các chuyên gia thời tiết, nhiệt độ bề mặt trái đất tăng từ 0,3-0,5 độ C trong năm 2010, từ 1-2 độ C vào năm 2020. Đáng chú ý là ở những vùng hay xảy ra hạn hán như Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, hạn hán có thể còn tăng lên cả về cường độ và diện tích.
Hiện tượng biến đổi khí hậu ở nước ta đã và đang tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống con người.
Trước hết là vấn đề sức khỏe, nhiệt độ tăng làm tăng tác động xấu đối với sức khỏe con người. Ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, mùa đông sẽ ấm dần lên, dẫn tới những thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Các căn bệnh truyền nhiễm như: sốt rét, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thông qua sự phát triển của các loài vi khuẩn, các côn trùng và vật mang bệnh đồng thời khiến cho các bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan ra cộng đồng. Những đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả là người nghèo, người già, phụ nữ, trẻ em, người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Biến đổi khí hậu cũng gây ra những tác động xấu đối với sản xuất nông nghiệp và dẫn đến những quan ngại về an ninh lương thực. Sự nóng lên trên phạm vi toàn lãnh thổ, đã tác động đến sinh trưởng, thời vụ, năng suất cây trồng, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Nhiệt độ có xu hướng tăng cũng ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản, quá trình sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của chúng. Ngành nông nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu hụt về giống cây trồng, vật nuôi.
Biến đổi khí hậu cũng có khả năng làm tăng tần số, cường độ và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, lụt, tố, lốc, hạn hán, rét hại làm vật nuôi chậm phát triển, mùa màng thất bát tất yếu làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.
Nước ta có bờ biển dài 3.260 km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ.. Hiện tượng biến đổi khí hậu với tình trạng nước biển dâng làm tăng diện tích đất liền bị ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng uy hiếp sự an toàn của những vùng có đê biển, làm xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng ven biển, gây nguy cơ đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của ngư dân ven biển.
Các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… đều chịu những tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Các khu công nghiệp thường được xây dựng nhiều ở các vùng đồng bằng, nơi có điều kiện giao thông thuận lợi, sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ ngập lụt và thách thức trong thoát nước do lũ từ sông và nước biển dâng. Các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai gia tăng cũng gây khó khăn trong việc cung cấp nguyên, vật liệu cho các ngành công nghiệp, đồng thời làm giảm tuổi thọ của các công trình, linh kiện, máy móc, thiết bị.
Chủ động đối phó
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến các họat động văn hóa, du lịch, thương mại, dịch vụ. Chẳng hạn ở lĩnh vực du lịch, nước biển dâng ảnh hưởng đến các bãi tắm ven biển, nhiều bãi tắm đẹp có thể bị mất đi, một số khác bị đẩy sâu hơn vào đất liền, ảnh hưởng đến việc khai thác. Các khu du lịch sinh thái và các công trình hạ tầng liên quan ở các vùng thấp ven biển có thể bị ngập, buộc phải di chuyển, hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ.
Theo một báo cáo mới nhất của tổ chức LHQ, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, chỉ có 10% là do tự nhiên. Các chuyên gia trên các lĩnh vực môi trường và khí tượng thủy văn cũng đã nhận định: nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính. Theo các nhà khoa học, khí hậu là mức độ trung bình của thời tiết trong một khoảng thời gian và không gian nhất định.
Trong khoảng 1.000 năm trước, nhiệt độ bề mặt của trái đất có tăng, có giảm nhưng không đáng kể, có thể nói là ổn định. Tuy nhiên, trong vòng 200 năm trở lại đây, đặc biệt là trong vòng mấy chục năm vừa qua, khi công nghiệp hóa phát triển, nhân loại bắt đầu khai thác than đá, dầu lửa, sử dụng triệt để các nguồn năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch, cùng với các họat động công nghiệp tăng lên, bắt đầu phát thải vào bầu khí quyển một lượng khí CO2, nitơ ôxit, mêtan… khiến cho nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên.
Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi con người. Để ngăn chặn hiện tượng này theo các chuyên gia môi trường, có hai vấn đề cần đặt ra đó là: giảm tác động biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi.
Để làm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu không còn cách nào hơn con người phải tiết kiệm năng lượng, thay đổi nhận thức về sử dụng nhiên liệu, đưa các dạng năng lượng khác: năng lượng nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời vào thay thế các nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu lửa. Bởi việc lạm dụng các loại nhiên liệu này đang làm phát thải ra không khí một lượng khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính.Trong nông nghiệp và lâm nghiệp, cần ngăn chặn có hiệu quả nạn chặt phá rừng, cần sử dụng phân bón hữu cơ để ngăn chặn quá trình thải khí mêtan vào không khí.
Mặt khác, cần phải tích cực triển khai những biện pháp thích ứng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và chủ động đối phó với biến đổi khí hậu để tránh nhũng thiệt hại có thể xảy ra. Ở đây, các phương tiện truyền thông, thông tin có một vai trò hết sức quan trọng.
LTS Dân trí - Biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo mà đã trở thành những hiểm họa nhìn thấy tận mắt. Bên cạnh sự diễn biến bất thường của thời tiết, bão lũ với tần suất ngày càng tăng với cường độ ngày càng mạnh; nước biển thâm nhập ngày càng sâu vào đất liền… là những tác động rất xấu đối với đời sống con người.
Việt Nam ta là một trong những nước chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khi hậu cho nên càng cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, vừa góp phần làm giảm biến đổi khí hậu vừa có những biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Từ kế hoạch tổng thể nhằm mục tiêu phát triển bền vững đến những biện pháp cụ thể của các địa phương, nhằm đối phó với tình trạng xâm nhập mặn của các tỉnh ven biển, đối phó với bão lũ bất thường và sụt lở đất ở các tỉnh miềm núi.
Mọi người dân cần tích cực áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng, nhất là điện năng và xăng dầu vừa góp phần giảm chi tiêu trong gia đình, vừa đóng góp đáng kể vào việc làm giảm bớt nguy cơ của tình trạng biến đổi khí hậu.
http://dantri.com.vn/c202/s202-473724/bien-doi-khi-hau-va-nhung-he-luy-kho-luong.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét