Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011
Biến Đổi Khí Hậu: Quy hoạch tốt giúp ứng phó với thời tiết thất thường (Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan)
An interview with Ms. Lê Thị Xuân Lan, one of Vietnamese top specialists in meteorology and hydrology, suggests an increase in tree planting and a reduction in urban population density might help address environmental pollution and unusual weather patterns.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan: Quy hoạch tốt giúp ứng phó với thời tiết thất thường
An Nhiên thực hiện
Ngày 4/04/2011
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về khí tượng thủy văn ở TPHCM, ThS Lê Thị Xuân Lan đã có cuộc trao đổi nhanh với PV Báo SGGP về những diễn biến thất thường của thời tiết TP trong thời gian qua cũng như những giải pháp để giảm thiểu tác hại khi thời tiết xấu.
PV: Thưa thạc sĩ, thời tiết TPHCM thời gian qua diễn biến khá thất thường. Tất cả có phải do biến đổi khí hậu?
ThS LÊ THỊ XUÂN LAN: Đúng như thế. Trước kia với nhiệt độ (nước) nhỏ hơn 260C, biển ở khu vực Philippines cũng như ở phía Nam Việt Nam ít khi xuất hiện hiện tượng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Thế nhưng hiện nay do biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển ở khu vực này đã thường xuyên tăng lên trên 270C và với nhiệt độ ấy, ATNĐ rất dễ hình thành. ATNĐ thường tạo ra những cơn bão, cơn mưa trái mùa hoặc những cơn gió lốc…
Các nhà khoa học về khí tượng thủy văn đã tính được rằng nếu như thời gian trước trung bình mỗi năm tần suất xuất hiện ATNĐ trong khu vực chỉ khoảng 2 cơn/năm thì nay đã là 6 cơn/năm. Và đây chính là nguyên nhân lớn nhất gây nên hiện tượng thời tiết thất thường ở TPHCM. Mùa nắng nóng hơn với nhiều cơn mưa trái mùa và mưa cũng càng ngày dữ dội hơn…
Tuy nhiên, môi trường ô nhiễm cũng là một nguyên nhân quan trọng không kém gây nên hiện tượng thời tiết thất thường. Đơn cử hiện tượng sương mù ở TPHCM. Nếu như ở các vùng núi cao sương mù là do hơi nước gặp lạnh ngưng tụ thì ở TPHCM do lớp không khí tầng thấp có nhiều bụi và khói làm cho hơi nước không tan ra được mà tụ lại thành sương mù. Đây là loại sương mù rất độc hại.
PV: Có cách nào làm giảm bớt thiệt hại do thời tiết thất thường gây ra không, thưa thạc sĩ?
ThS LÊ THỊ XUÂN LAN: Bằng nhiều cách, TPHCM có thể làm giảm tác hại của thời tiết thất thường. Đơn cử như trồng nhiều cây xanh để làm mát bầu không khí của TP, tránh hiện tượng đảo nhiệt gây mưa lớn và tạo ra bầu không khí ngột ngạt. Việc xây dựng các cao ốc như thế nào, ở đâu cũng cần được tính toán sao cho không khí trong cả khu vực được lưu thông tốt. Nếu gió không được lưu thông tốt mà “luẩn quẩn” trong các cao ốc, chúng sẽ là một trong những tác nhân lây truyền bệnh đáng sợ nhất. Chưa hết, nếu bầu không khí không thông thoáng, chúng ta sẽ phải tốn thêm nhiều năng lượng để làm mát.
Tái bố trí dân cư theo hướng giãn dân ra ngoại thành một cách hài hòa với điều kiện tự nhiên như quy hoạch phát triển đô thị mà hiện nay TPHCM đang hướng tới cũng là một cách thích ứng tốt với thời tiết thất thường. Bởi lẽ trước hết điều này sẽ làm giảm hiện tượng ùn tắc giao thông ở khu vực nội thành - nguyên nhân lớn nhất làm ô nhiễm bầu không khí của TP (gây hiện tượng sương mù bất thường). Tiếp nữa, giãn dân ra ngoại thành cũng là một cách giúp người dân có được bầu không khí tốt hơn trong nội thành dày đặc khói xe và bụi bẩn, gây ra đủ thứ bệnh cho hệ hô hấp.
http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2011/4/254474/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét