Vietnamese Christians are celebrating Easter around the world.
Người Ky Tô Hữu Trong Và Ngoài Nước Đón Mừng Thông Điệp Phục Sinh Năm Nay
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Ngày 22 tháng 4, 2011
Copyright © 2006, RFA. Đăng tải lại với sự cho phép của Radio Free Asia, 2025 M St. NW,
Suite 300, Washington DC 20036. http://www.rfa.org.
Đối với người Công Giáo trên khắp thế giới, lễ Phục Sinh mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì mầu nhiệm đức tin được xây dựng trên tình yêu và sự sống lại của Chúa Giê Su Ky Tô sau khổ nạn đóng đinh tới chết trên thập giá để mong chuộc lỗi cho con người dưới thế.
Đó là lý do Phục Sinh được gọi là Tuần Thánh với nghi thức lễ buộc hầu dọn mình cho ngày Chúa sống lại từ cõi chết, duy nhất chỉ Ngài đã chết và đã sống lại.
Thông điệp Phục Sinh năm 2011 ra sao khi nhân loại đã bước vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ XXI?
Lễ Phục sinh của người Việt tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, đất nước vừa trải qua một trận thiên tai vô tiền khoáng hậu với hệ quả phóng xạ đang đe dọa tính mạng con người, linh mục Nguyễn Hữu Hiến đang chăn dắt cộng đoàn Công Giáo người Việt ở đây, chia sẻ:
Năm nay là bởi vì ở Nhật đây xảy ra thiên tai động đất và sóng thần, những năm trước thì người ta chú trọng tới bề ngoài nhưng năm nay ra chương trình của Giáo Hội Nhật là mời gọi tất cả mọi người quan tâm một cách đặc biệt hơn về ý nghĩa đức tin, ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm, mời gọi giáo dân ý thức hơn về vấn đề nội tâm chứ không phải là hình thức bề ngoài, mời gọi mọi người sống cái tinh thần chia xẻ, tình thương và phục vụ. Có lẽ cộng đoàn Việt Nam ở Nhật là một cộng đoàn rất khác bởi vì không có nhà thờ như ở bên Mỹ. Mình phải sử dụng nhà thờ của giáo xứ địa phương, sau khi người ta sử dụng rồi thì mình mới có thể dùng được. Nghi thức Thánh Lễ thì cũng không khác nhưng chỉ Tokyo mới có, còn những nơi khác vì không nhà thờ nên mình phải làm chung với người Nhật, nó khác với bên Âu Châu hoặc bên Mỹ là vậy.
Lễ Phục sinh của người Việt tại Đài Loan
Tại Đài Loan, nơi thành phố Đào Viên cách thủ đô Đài Bắc khoảng trăm kilômét, linh mục Nguyễn Hùng Cường, cha linh hướng của anh chị em công nhân Việt đang lao động ở đây, cho biết Lễ Lá đã bắt đầu Chúa Nhật tuần rồi và tối thứ Năm, tức là tối nay, cũng có nghi thức rửa chân cho các môn đệ:
Thứ Sáu thì kỷ niệm sự thương khó của Chúa, tối thứ Bảy thì lễ vọng Phục Sinh và dĩ nhiên chiều Chúa Nhật là lễ Phục Sinh. Những dịp này tôi luôn luôn nhắc nhở anh chị em hiệp thông cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam, cho Giáo Hội Việt Nam, cho quê hương của chúng ta và nhất là cho những giá trị nhân quyền.
Đối với các vị chủ chăn Công Giáo trong nước, Phục Sinh thường là đại lễ có tính cách truyền thống và nghi thức hơn là sự náo nhiệt bề ngoài. Theo giám mục Nguyễn Chí Linh của giáo phận Thanh Hóa:
Cách tổ chức lễ thì hầu như năm nào cũng giống nhau. Trong tình hình hiện nay giáo dân tham gia mỗi lúc một đông đảo và nồng nhiệt hơn chứ còn lễ Phục Sinh không có nhiều sáng tạo như lễ Giáng Sinh. Dĩ nhiên là trong dịp trọng đại như thế này, tôi nói trọng đại là bởi Phục Sinh về ý nghĩa là quan trọng nhất trong đức tin Công Giáo, là dịp mà mỗi người Công Giáo nghĩ đến tất cả mọi thành phần dân Chúa cũng như mọi thành phần của cộng đồng nhân loại, còn hình thức tổ chức cũng không có gì đặc biệt hơn so với mọi năm.
Lễ Phục sinh ở Việt Nam
Linh mục Phan Văn Hà, chánh xứ Cát Thuế huyện Hoài Đức , Hà Nội, nơi có truyền thống giữ đạo thuần thành dù chỉ hơn hai nghìn giáo dân mà thôi:
Bình thường như mọi khi thôi, thứ Năm thì có lễ Tiệc Ly, thứ Sáu Tuần Thánh thì vẫn có lễ Đi Đàng Thánh Giá, nguyện ngắm mười lăm sự thương khó của Chúa Giê Su, tối thứ Bảy thì có đêm vọng Phục Sinh và ngày Chúa Nhật là lễ chính.
Trong khi đó linh mục Phạm Minh Triệu, về làm chánh xứ Bảo Long ở Nam Định gần một năm nay, thì lễ Phục Sinh năm nào cũng được chuẩn bị giống nhau, năm nay ở giáo xứ Bảo Long có cả bốn Mùa Chay. Thế nhưng điều quan trọng phải thực hiện trong Phục Sinh 2011 này là:
Lễ Phục Sinh đi vào chiều sâu đời sống nội tâm, hoán cải hơn là hình thức bên ngoài. Trong tinh thần mùa chay để mừng đại lễ Phục Sinh năm nay ở giáo xứ chúng tôi có chương trình ủng hộ đồng bào Nhật Bản bị động đất rồi những người nghèo ở Việt Nam bị ảnh hưởng vì thiên tai vì bệnh tật. Giáo xứ chúng tôi có chương trình gọi là dâng của lễ cho người nghèo, Chúa Nhật thứ ba mùa chay là dâng của lễ. Hôm Chúa Nhật Lễ Lá vừa qua các em thiếu nhi cũng dâng của lễ, tức là hy sinh chia sẻ của cải vật chất của mình ra để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Đấy là những công việc không chỉ riêng giáo xứ Bảo Long mà cả giáo miền cũng làm như thế đối với người nghèo và nạn nhân chất độc da cam hay người khuyết tật. Có nhiều biến cố trong mùa chay năm nay ví dụ biến cố liên quan đến vấn đề nhân quyền, rồi vấn đề tôn giáo như Lê Quốc Quân như Cù Huy Hà Vũ thì giáo xứ Bảo Long trong mùa chay Chúa Nhật thứ ba và Chúa Nhật thứ bốn cũng có thắp nến cầu nguyện cho hai nhân vật đó. Ngoài vấn đề ăn chay cầu nguyện còn vấn đề hiệp thông với nỗi thống khổ của con người nữa.
Từ Đồng Chiêm, linh mục chánh xứ Giu Xe Tạ Xuân Hòa, về từ tháng Tám 2010, cho hay ông cử hành thánh lễ Phục Sinh năm nay theo đúng tinh thần của vị chánh xứ trước đây:
Năm nay có nhiều biến cố chẳng hạn động đất sóng thần ở Nhật Bản hay ở Haiti. Điều quan trọng nhất không phải ở những biến chuyển xảy ra bên ngoài mà ở bên trong tâm hồn mỗi một con người. Chúng ta sống làm sao để dù tất cả những điều gì xảy ra mình vẫn cảm thấy được sự bình an, đó mới là điều quan trọng. Mặc dù giáo dân ở đây còn nghèo nhưng mà tôi cũng tổ chức chương trình Hũ Gạo Tình Thương, mỗi gia đình một hũ gạo, mỗi bữa ăn bớt ra một chút xíu để chia xẻ cho những người nghèo trong xứ.
Đó là thông điệp Phục Sinh đơn sơ nhưng đầy ắp tinh thần hiệp thông và tương thân giữa người Công Giáo Việt Nam trong và ở ngoài nước.
Kỷ niệm 100 năm Tin Lành ở Việt Nam
Đối với người Cơ Đốc Giáo, còn gọi là Tin Lành, Phục Sinh năm nay trọng đại vì ghi dấu một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam(1911-2011).
Mục sư Phạm Đình Nhẫn thuộc Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo, chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam gồm hai mươi chín hệ phái Tin Lành khác nhau trong đó một số đã được thừa nhận tư cách pháp nhân, báo cho biết từ đầu tháng này mọi sinh hoạt đều tập trung cho chương trình mừng Phục Sinh và mừng một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam:
Nhân cơ hội mục sư tiến sĩ Luis Palau là nhà truyền giảng Tin Lành đã đến Việt Nam thì nhân cơ hội mừng Chúa Phục Sinh chúng tôi tổ chức hai chương trình lớn ở tại Saigon và hai đêm ở tại Hà Nội. Chương trình tại Saigon thì giờ chót chúng tôi mới nhận được giấy phép để tổ chức hai đêm, mỗi đêm trung bình mười hai ngàn người tham dự. Cũng khá vất vả bởi vì gấp rút quá. Tuy nhiên đối với chương trình ở Hà Nội thì khá buồn! Có nghĩa là Tổng Hội Thánh Tin Lành miền Bắc đã không thể tổ chức hai buổi thánh nhạc và cầu nguyện nhân lễ Phục Sinh ngày 15 và 16 cũng như nhân đó kỷ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam, dù rằng đến chiều tối ngày 15 đã được Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố chấp thuận cho tổ chức trong ngày 16 tại Cung Thi Đấu Điền Kinh Mỹ Đình.
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, hội trưởng Hội Thánh Tin Lành miền Bắc, giải thích:
Khi chúng tôi xuống làm việc với địa phương để ký hợp đồng về địa điểm tổ chức lễ thì tại đó ban quản lý cho biết họ đã có những người khác hợp đồng và cho đến sát giờ lễ của chúng tôi thì họ mới bàn giao được. Vì thời gian quá khít và không đủ chuẩn bị lễ, thứ hai nữa họ khống chế số người. Bà con tín hữu đăng ký về dự lễ rất là đông, nhưng mà ban quản lý nói rằng họ chỉ khống chế dưới ba ngàn người thôi. Vì quá cận rồi nên sau đó ban tổ chức họp lại và thông nhất là không thể tổ chức được.
Trở lại với Phục Sinh của các hội thánh Tin Lành miền Nam và mục sư Phạm Đình Nhẫn:
Tuần này bước vào mùa thương khó và Phục Sinh thì từng hội thánh địa phương tổ chức riêng trong địa phương của mình. Riêng trong Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam tính ra khoảng trên dưới sáu ngàn hội thánh tư gia trong các địa phương khác nhau, việc sinh hoạt thờ phượng hàng tuần có nơi dể dàng có nơi khó khăn. Theo tôi thì bất cứ một xã hội dù ở dưới chính thể nào, ngoài nhu cầu vật chất cần được đáp ứng thì nhu cầu tâm linh vô cùng quan trọng. Nếu mà nhu cầu tâm linh của một xã hội không được đáp ứng thì nó nảy sinh rất nhiều vấn đề.
Tình hình các hội thánh Tin Lành tư gia ở miền núi chừng như êm ả bình lặng hơn. Mục sư Ka Kéo, Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão người dân tộc Mạ ở Lâm Đồng, báo cho biết :
Cũng thường thôi, từ ngày 24 là vào lễ thương khó, Chúa Nhật là lễ Phục Sinh. Ngày mai làm đơn báo cáo cho các cấp ủy ban chính quyền, chắc không có gì khó khăn đâu, làm đơn báo cáo để biết đâu mà bảo vệ trật tự an ninh, sợ mấy người gây rối vào điểm nhóm của mình đó. Năm nay cầu nguyện Thiên Chúa ban ơn tăng trưởng thuộc linh cho các tín đồ, để nhiều người trong làng xóm họ gây rối chê cười sỉ nhục mình thì sau này từ từ họ biết họ tin Chúa nhiều.
Cũng Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão nhưng người dân tộc H’Rê ở Sơn Hà, Quảng Ngãi, mục sư Ding Don:
Tuần sau đây nè, 24 tháng Tư lễ Phục Sinh Chúa sống lại đó, mình không xin phép gì hết, nhưng mà họ cũng hỏi mình có tổ chức gì hông, tôi nói không có cái gì mà tổ chức nhưng mà có khả năng là mình sẽ làm y như Giáng Sinh đó. Ở Quảng Ngãi cái chuyện tổ chức là không có sao. Cầu nguyện phước hạnh để mình được làm nhà thờ để phát triển hội thánh mới mà.
Thanh Trúc vừa cống hiến quí vị thông điệp Phục Sinh năm 2011 này thông qua những câu chuyện từ các giáo xứ Công Giáo cũng như các Hội Thánh Tin Lành trong và ngoài nước. Kính chúc quí vị một mùa Phục Sinh an bình và hiệp thông trong trái tim của tình yêu và đức tin.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/vn-celebrate-eastern- 2011-04212011121508.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét