The "silent killers" in Việt Nam's rapidly urbanized areas are air pollution, noise pollution, and water pollution. Plans for sustainable urbanization in Việt Nam are necessary to allow her people to live in health. (After all, there is no point of having a country with all sickly citizens. It certainly cannot be a formula for a strong nation.)
Đô thị hóa không bền vững: Đối mặt với nhiều hệ lụy
Hoài Minh
Ngày 13/4/2011
(Lao Động) Dân đô thị tại VN hiện chiếm chưa đến 40% dân số và sẽ tăng dần trong quá trình đô thị hoá (ĐTH). Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTH không bền vững tại VN hiện nay sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sống và sức khoẻ.
Rối quy hoạch
Theo một nghiên cứu xã hội học, tình trạng ĐTH theo chiều rộng đang diễn ra nhanh về các hướng ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Sự mở rộng tự phát và xuất hiện liên tục những khu nhà mới, những con đường mới và sự lộn xộn về nhà đất ở các huyện vùng ven tạo cảm giác ĐTH bùng nổ. Theo số liệu từ Sở TNMT TPHCM, diện tích đất quy hoạch xây dựng tại thành phố hiện có khoảng 2.000km2, chia theo đầu người cao hơn gấp nhiều lần so với mức bình quân 100m2/người theo chiến lược phát triển đô thị VN đến năm 2020 (tương ứng với 460.000ha, chiếm khoảng 1,4% đất tự nhiên).
VN đang có trên 747 đô thị từ loại 5 trở lên, với mức độ ĐTH trên 30%. Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết lại rất chậm. Tỉ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết trên cả nước hiện chỉ đạt từ 35%-40% diện tích đất đô thị. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải phòng, Đà Nẵng có tỉ lệ phủ quy hoạch chi tiết từ 70% - 100% diện tích đất nội thị, trong khi các đô thị nhỏ và vừa tỉ lệ này chỉ đạt trên dưới 30%. Quy hoạch chi tiết chậm dẫn đến các bất cập trong công tác quản lý và cung ứng hạ tầng, dịch vụ.
Những hệ lụy
Theo định hướng phát triển đến năm 2020 dân đô thị chiếm 45% dân số, đạt 46 triệu người. Tuy nhiên, khuyến cáo từ Quĩ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng, tỉ lệ này có thể tăng mạnh hơn - lên đến 60%. WHO đã cảnh báo, những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM có tốc độ ĐTH cao, nhưng thường không được quy hoạch tốt dễ dẫn đến ba nguy cơ đối với sức khỏe con người: Thứ nhất là bệnh truyền nhiễm. Thứ hai là các loại bệnh mãn tính do nhiễm độc khói thuốc lá, khói bụi ôtô và xây dựng... Thứ ba là tai nạn và chấn thương tâm lí do giao thông, bạo lực, tội phạm.
“Sát thủ thầm lặng” ở những vùng đô thị hóa nhanh chính là ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước. Các đo đạc tại TPHCM từ năm 2003 đến nay cho thấy, nồng độ bụi, khí CO, NO2... bình quân ở nhiều khu vực đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Một số nơi gần các tuyến đường lớn đông xe cộ, nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 90% - 100% làm gia tăng các loại bệnh mạn tính về hô hấp.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Hà Nội và TPHCM hiện đã có hàng loạt dự án xây dựng theo hướng đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình kiến trúc, như khu Phú Mỹ Hưng, đảo Kim Cương (Diamond Island) Ciputra, EcoPark...
Những dự án này có mật độ xây dựng rất thấp (dưới mức quy định là 40%), thậm chí như ở dự án đảo Kim Cương thì mật độ xây dựng ở đây chiếm 14% diện tích. Điều đó tạo không gian thoáng đãng cho cư dân tiếp xúc nhiều với khí trời, ánh sáng, sông nước thiên nhiên, tạo nên không gian yên tĩnh và trong lành cho mục đích sống xanh - sống khỏe.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng, nhằm đảm bảo các yếu tố không gian sống, kiên quyết loại trừ những dự án phá vỡ quy hoạch. Đây chính là điều kiện đảm bảo những tiêu chuẩn và chất lượng sống cho cư dân không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai.
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Doi-mat-voi-nhieu-he-luy/39298
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét