Hãy nói không với thuốc lá - Say no to cigarettes |
Việt Nam là một trong 4 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất
Nam Phương / VNExpress
Thuốc lá là kẻ giết người âm thầm nhưng ghê gớm không thua gì các loại virus nguy hiểm. Dù được cảnh báo từ lâu, song 48% nam giới Việt Nam vẫn gắn bó với "sát thủ" này. Và mỗi năm, nó lại cướp đi mạng sống của khoảng 40.000 người.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết 2 năm thực hiện Chương trình tăng cường thực thi chính sách không khói thuốc tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội sáng 25/3/2011.
Theo chương trình này, các mô hình khu vực không khói thuốc đã được xây dựng thí điểm tại 6 tỉnh (thành) là Hải Dương, Thái Bình, Hà Tĩnh, Huế, Khánh Hòa và Đồng Tháp (từ 4/2009 đến 3/2011). Kết quả thu được cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong phòng làm việc đã giảm 3 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc khi biết có biển cấm vẫn duy trì ở mức cao hơn 40%.
Trong khi đó, kết quả điều tra toàn cầu về việc sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành vào năm 2010 với hơn 11.000 hộ gia đình trên toàn quốc cho thấy nước ta hiện có khoảng 16 triệu người hút thuốc (từ 15 tuổi trở lên). Đa phần người được hỏi đều biết việc này sẽ gây bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên chỉ có một nửa số họ biết rằng nó sẽ gây đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi. Rất ít người hiểu hết tác hại của thuốc lá.
Một nghịch lý nữa là hầu hết người được hỏi đều nhận thức được những ảnh hưởng tới sức khỏe của việc hút thuốc thụ động, nhưng tỷ lệ phơi nhiễm với hút thuốc thụ động rất cao tại nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng.
Một khảo sát của VnExpress năm 2010 trên hơn 1.000 người cho thấy, có đến hơn 54% cho biết họ không quan tâm đến việc có hút thuốc trong nhà, trước mặt vợ con hay không, hoặc hút chỗ nào tùy thích. Điều đó đồng nghĩa với việc vợ con của nhiều người đang trở thành nạn nhân của "hút thuốc thụ động" do chồng gây ra.
Nguyên nhân khiến tình trạng hút thuốc lá ở nước ta vẫn diễn ra phổ biến là do giá thuốc còn rất thấp do chưa bị đánh thuế cao. Trung bình một bao thuốc 20 điếu chỉ có giá 5.500 đồng, thuộc vào hàng thấp nhất thế giới.
Chẳng hạn, giá một bao thuốc lá ba số 5 tại nước ta chỉ có 20.000 đồng thì tại Mỹ là hơn 5 đô la, tại Anh cũng là hơn 5 bảng..., thạc sĩ Phạm Quỳnh Nga, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
"Trung bình trong một năm một người dành hơn một triệu đồng để mua thuốc. Số tiền tưởng là nhỏ nhưng nếu nhân nó với con số 16 triệu người hút thuốc, chưa tính tới chi phí cho các bệnh do thuốc lá gây ra thì có thể thấy số tiền nhiều người bỏ vào thuốc lá lớn đến mức nào. Khoảng hơn 16 nghìn tỷ một năm", thạc sĩ Nga nói.
Dù đã có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm hút thuốc ở nơi công cộng, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc tuân thủ còn rất hạn chế.
Bà Lê Việt Hòa, Tổ chức HealthBridge cho biết, việc thực hiện chính sách chưa đi vào thực chất, không thường xuyên, coi đây là nhiệm vụ thứ yếu, không quan trọng. Đặc biệt, tại khu vực công sở còn mang nặng tính hình thức, thiếu các biện pháp, chế tài đủ mạnh. Cam kết của khu vực tư nhân, đặc biệt của doanh nghiệp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn) yếu.
Còn thạc sĩ Luật Nguyễn Ngọc Năm, Hội Luật gia Việt Nam thì cho rằng nên mở rộng thẩm quyền xử phạt cho thủ trưởng các đơn vị bằng một văn bản pháp luật riêng. Chẳng hạn có thể giao thẩm quyền xử phạt cho giám đốc nhà hát, bệnh viện rạp chiếu phim, người đứng đầu các nơi sinh hoạt công cộng....
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện khoảng 1,5 triệu người có nhu cầu cai nghiện nhưng đáp ứng của ngành y tế còn hạn chế. Vì thế, cần đẩy mạnh các dịch vụ cai nghiện ở sở y tế bằng cách đào tạo kỹ năng tư vấn cho nhân viên y tế, mở rộng dịch vụ cai nghiện.
http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/03/viet-nam-la-mot-trong-4-nuoc-co-ty-le-hut-thuoc-cao-nhat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét