The cassava is peeled, cut in to thick slices, and soak in water for one week. After that, grind it into flour, then mix with boiling water to form a dough. Filling is usually from mashed mung bean or peanut, with some added sugar. Cassava dumpling can be boiled, fried, or roasted - each has its own unique flavor. Such is the simple yet delicious specialty from the land of Quảng, Thanh Ly's mountainous hometown in central Việt Nam.
Bánh sắn xứ Quảng
Thanh Ly
Từ lâu cây sắn đã gần gũi, gắn bó với người dân quê tôi. Quê tôi, một vùng trung du xứ Quảng, đất cao ráo, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, thích hợp với cho các loại cây ngắn ngày trong đó sắn được xem là cây nông sản chính, nhà nào ít thì chỉ một đám sắn trong vườn, nhà nhiều đến cả rẫy sắn.
Trong những năm kinh tế khó khăn, sắn là nguồn lương thực chính. Từ củ sắn các bà, các chị quê tôi chế biến rất nhiều món ăn: xôi sắn, sắn nướng, sắn luộc .. và cả bánh sắn.
Bánh sắn nghe đơn sơ nhưng lại gợi tôi nhớ về một miền quê, về một tuổi thơ xa xôi. Lúc nhỏ, mùa đông cũng như mùa hè, mỗi sáng má phát cho hai chị em mấy cái bánh sắn ăn lót dạ tới lớp. Từng miếng bánh trắng phau trông như củ mài, thơm lừng mùi bột quyện với mùi nắng, ai từng một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi. Lớn lên đi học xa nhà, biết sinh viên chúng tôi thiếu thốn đủ mọi bề nên mỗi lần về thăm nhà, má thường làm bánh sắn gọi là quà quê cho tụi bạn. Mỗi lần ra bến xe đò, tôi thường xách lỉnh kỉnh nhiều thứ nhưng lại vui đáo để, chỉ trong chốc lát giỏ bánh của má được cả bọn “xử” nhanh gọn, vậy mà có đứa còn thòm thèm, thế mới biết tài nấu nướng của má.
Để làm được một chiếc bánh sắn thơm ngon, giữ được hương vị và nguyên vẹn màu trắng tinh phải chuẩn bị khá công phu từ khâu làm bột sắn. Sắn thu hoạch về, chọn những củ tinh bột nhiều, má xắt lát dày, ngâm nước một tuần cho hết nhựa. Mỗi lần làm bánh phải mang sắn đi nghiền thành bột thật mịn, sau đó nhào với nước đun sôi để tạo thành một khối bột đặc quánh rồi nặn thành bánh. Nhân của bánh được làm bằng đậu xanh hoặc đậu phụng trộn với đường. Bánh sắn có thể đem luộc, rán,… thậm chí đem nướng, mỗi phương pháp chế biến khác nhau sẽ cho một hương vị khác nhau và rất đặc trưng. Với bánh sắn, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của những người phụ nữ miệt vườn.
Ngày nay đời sống quê tôi có phần khá giả, nhiều loại bánh, hoa quả ngon đã về từng thôn xóm, nhưng phong tục làm bánh sắn vẫn còn nguyên vẹn. Những chiếc bánh bé nhỏ, nguyên liệu mộc mạc, đơn giản là thế nhưng lại là một nét văn hóa ẩm thức đặc trưng của những miền đồi núi trung du quê tôi.
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Banh-san-xu-Quang/44585
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét