Climate change is a big threat to the rural poor in Việt Nam. |
Quốc Hùng (thực hiện) / Đồng Khởi Điện tử
Ngày 20/06/2011
LTS: Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề “nóng” được các quốc gia trên thế giới quan tâm, bởi nó đang tác động mạnh mẽ đến trái đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội của người dân.
Báo Đồng Khởi và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu Bến Tre phối hợp thực hiện chuyên mục, mỗi tháng 2 kỳ (vào thứ hai, tuần thứ hai và tư của tháng), nhằm chuyển đến bạn đọc thông tin có hệ thống về thực trạng, tác hại của biến đổi khí hậu và những hoạt động ứng phó của Bến Tre trong thời gian tới. Mở đầu chuyên mục, xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Thạc sĩ Đoàn Văn Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh Bến Tre
PV: Xin ông cho biết BĐKH là gì? Thực trạng BĐKH ở Bến Tre đang diễn ra như thế nào?
- Thạc sĩ Đoàn Văn Phúc: BĐKH là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hay dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất.
Bến Tre thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu của sông MeKong. Do điều kiện tự nhiên, Bến Tre có đường bờ tiếp giáp biển Đông với chiều dài 65km và hệ thống sông ngòi chằng chịt, trên 90% diện tích có độ cao địa hình dưới 2m so với mực nước biển, trong đó vùng thấp ven sông, biển chỉ dưới 1m, thường xuyên bị ngập khi triều cường. Vì thế, Bến Tre là tỉnh được nhận định bị rủi ro cao của biến đổi khí hậu. Thống kê từ năm 1996 đến 2008, trên địa bàn tỉnh, đã xảy ra khoảng 9 đợt lũ và nước dâng do triều cường gây thiệt hại khoảng 365.635 tỷ đồng, làm 2 người chết; 1.941 căn nhà bị sập đổ và hư hại, và nhiều héc-ta hoa màu, cây ăn trái bị mất trắng, 78km đê bị sạt lở, nhiều cầu cống, đường giao thông bị hư hại. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, trạng thái khí hậu bình thường (không hạn) tăng lên, với quy mô thời gian 6 tháng là 1,78% và quy mô thời gian 12 tháng là 2,01%. Như vậy, trong tương lai, tình hình hạn hán có giảm, nhưng khi xảy ra hạn thì mức độ hạn nghiêm trọng và gay gắt hơn.
Có 3 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức độ xâm nhập mặn là dòng chảy kiệt sông Tiền (lượng nước ngọt mùa khô) thuộc những năm ở mức thấp, sự xuất hiện của gió chướng nhiều đợt trong mùa khô và thủy triều ở biển Đông ở mức cao. Sự tác động mạnh mẽ và đồng bộ của 3 nguyên nhân trên nên xâm nhập mặn ở các sông từ mức độ xâm nhập sâu đến rất sâu. Thiệt hại do xâm nhập mặn và hạn hán gây ra từ năm 1995-2008 là 672.325 tỷ đồng và 132.823 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 15.782ha lúa bị mất trắng và giảm năng suất, 13.700ha dừa bị rụng trái non, 360ha nuôi trồng thủy sản bị giảm năng suất và 5.289 tấn tôm bị chết.
Sạt lở đất ven sông là do ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy, việc khai thác cát bừa bãi trên các sông, làm thay đổi dòng chảy rất lớn, gây ra xói lở bờ sông. Thêm vào đó, lưu lượng ghe, tàu lưu thông trên sông với mật độ cao, đặc biệt là các tàu cao tốc và các tàu có công suất lớn cũng góp phần ảnh hưởng đến hiện tượng này.
Tác hại của BĐKH đối với Bến Tre - tỉnh có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp?
- Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm của nhiều vùng trong tỉnh sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc cung cấp lương thực và việc tăng giá thành sản xuất sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của một bộ phận dân cư. Một phần đáng kể diện tích trồng trọt có thể bị ngập nước và xâm nhập mặn; hệ sinh thái nước ngọt sẽ bị thu hẹp dần và hệ sinh thái nước mặn và lợ sẽ tăng cao do nước biển dâng. Các giống cây trồng đặc hữu của địa phương có khả năng bị suy thoái. Việc phải di chuyển nơi ở; mất việc làm, thu nhập giảm sẽ tác động không nhỏ đến mức sống, sức khỏe của người dân.
Hiện tượng triều cường, nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc sẽ nhiều hơn. Đất vốn đã bị thoái hóa do quá lạm dụng phân vô cơ, hiện tượng khô hạn, rửa trôi do mưa tăng sẽ dẫn tới tình trạng thoái hóa đất trầm trọng hơn ở một số địa phương. Tài nguyên nước biến động mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến việc trữ nước và cấp nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH ở Bến Tre sẽ có hoạt động chủ yếu nào trong thời gian tới?
- Đó là đánh giá tác động của BĐKH đến tài nguyên nước: đánh giá và xây dựng được kịch bản về tài nguyên nước mặt, nước ngầm trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng bền vững; đánh giá tác động BĐKH và nước biển dâng đến các cộng đồng dân cư ven biển: dự báo được tác động BĐKH đến sinh kế của người dân ven biển, các giải pháp ứng phó, đề xuất các mô hình sinh kế bền vững cho người dân; xây dựng hệ thống canh tác thích hợp trên đất nhiễm mặn trong điều kiện BĐKH tỉnh Bến Tre; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực về ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai cho các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư; thực hiện công tác quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh Bến Tre; hỗ trợ cho người dân thuộc vùng ven biển đang khan hiếm nước có nước sạch sinh hoạt; xây dựng hệ thống ngăn ngập và xâm nhập mặn cục bộ cho một khu vực để thích ứng trong điều kiện BĐKH…
http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=20008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét