Slang makes a language more fun and colorful. And Vietnamese, especially the young ones, sure have their share of this linguistic phenomenon during the @ era.
Giao tiếp ngôn ngữ hiện đại - Tiếng lóng
Tác giả: Nguyễn Tuấn Đạt
TruongXua.com
Đây là 1 sự tổng hợp nho nhỏ theo kinh nghiệm riêng những từ ngữ mà thế hệ @ ngày nay thường dùng nhất, mà trong từ điển chính thống dường như không thấy, hoặc có nhưng nghĩa đã được dùng khác đi - đích thị là tiếng LÓNG. Ban đầu mình sẽ nhớ từ nào thì ghi ra từ ấy. Các bè bạn gần xa nếu biết từ nào thì chỉ cho mình, hoặc gợi ý để mình bổ sung vào - xin được thỉnh giáo. Có thể có những từ hiện đại, có thể là những từ dùng lâu rồi, nhưng chủ yếu vẫn là làm sáng tỏ thêm cho ngôn ngữ thời hiện đại. Đáng ra cần phải phân tích sâu vào tâm lý học giao tiếp cho nó đúng bài đúng bản, nhưng việc đó cần có thời gian. Đây chỉ là 1 chút chia sẻ.
A
1- @: a còng / a gù - là một ký tự đặc biệt chuyên dùng để định nghĩa địa chỉ email, xuất hiện trên bàn phím máy tính. Sau đó được dùng như biểu tượng của thế giới mạng và những gì liên quan đến Internet. Bây giờ thì được dùng như biểu tượng của giới trẻ năng động, sáng tạo, thành thạo các kỹ năng Internet. Đôi khi gắn với những thanh niên con nhà giàu, nhiều tiền (vì hãng Honda cho ra đời chiếc xe @ đắt nhất bấy giờ dành riêng cho người nhiều tiền).
- Văn cảnh: thế giới @, thế hệ @
2- Ầu ơ ví dầu: xuất xứ từ trong bài hát ru ngày xưa. Nay được dùng để chỉ người có hành vi không dứt khoát, lúc thế này lúc thế kia, làm người xung quanh bực mình (từ này thường được người miền Nam sử dụng).
- Văn cảnh: Làm gì làm đại đi, cứ ầu ơ dzí dzầu hoài!
3. À ha: xuất phát từ cách giao tiếp năng động của người nước ngoài trong tiếng Anh (aha). Ngày trước chúng ta giao tiếp nhau thường không thể hiện sự chăm chú của mình qua ngôn ngữ nói, nét mặt hay cử chỉ. Mà dùng các từ như "vậy hả, thế à..." thì dài quá, nên từ "aha" được dùng (cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của ngoại ngữ) khi nghe người khác nói tỏ vẻ mình đang theo dõi chăm chú và ủng hộ họ.
4. Ặc: âm thanh giống như mình bị bóp cổ không nói được. Thường được dùng trong ngôn ngữ "chat", thể hiện khi ai đó làm mình giật mình, hết hồn... và không biết phải nói sao, nên đành ặc... ặc...
5. A cay - chim cú (tức là "cay cú"): Đây là tiếng lóng vừa mang tính chơi chữ, vừa mang tính "kế thừa" văn chương Image. Cụm từ này thể hiện sự không hài lòng, bực tức, cay cú về người khác nhất là khi họ làm được 1 cái gì đó hơn mình, ngược lại với mong đợi của mình. Từ này đích thị dân Bắc dùng.
- Văn cảnh: Thằng ấy vừa làm tao một quả chim cú thật!
(Thanks BnW!)
B
1. Bác: nghĩa gốc là từ chỉ người lớn có vai lớn hơn cha hoặc mẹ mình (ngoài ra còn có nghĩa là "tráng trứng"). Trong giao tiếp thông thường của người miền Bắc, từ này dùng chỉ ngôi thứ 2 (thay cho cách xưng hô của con mình - giả định) và chỉ có người có hoặc sắp có gia đình mới dùng. Nhưng ngày nay giới trẻ không kể miền nào đều dùng từ này thay cho "bạn, cậu, anh, you, mày" để thể hiện sự thân tình. Nhiều nhất là xưng hô trên các diễn đàn.
- Văn cảnh: Em xin các bác bỏ quá cho câu hỏi vớ vẩn của em ạ!
2. Bó tay: từ này vốn xưa nay vẫn là từ bình thường, dùng trong các văn cảnh để chỉ những việc gây khó khăn, hóc búa cho mình, nhiều khi không giải quyết được. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, "bó tay" có những buớc thăng trầm trong cung cách nói chuyện của mọi người, vẫn giữ nguyên nghĩa đó nhưng được dùng vô tội vạ, nhiều khi không nhất thiết chỉ sự khó khăn, mà là để diễn tả tâm trạng không chịu nổi, chịu thua, hay bái phục 1 hành vi, câu nói độc đáo, ngộ nghĩnh hay vô duyên của ai đó.
- Văn cảnh: Tui bó tay với ông luôn!
- Các biến thể của "bó tay": bó chân, bó giò, bó bột, bó toàn thân, bó gối, bó chiếu, pó tay, pohand, bótay.com... (thiệt là bó tay với ngôn ngữ nói).
3. Bẩn: đồng nghĩa với dơ, không sạch. Nhưng trong văn nói, có khi không dùng "bẩn" để chỉ mức độ vệ sinh, mà là ngụ ý chê bai tính cách của 1 ai đó không tốt, không đẹp, không hẳn là đã xấu... nhưng nói chung là "chơi không được".
- Văn cảnh: Tay đó tính bẩn lắm!
4. Bở: dễ dàng (như ăn trái dưa bở). Nhưng thường dùng trong câu văn để cảnh báo ai đó hãy cẩn thận, đừng tưởng là dễ mà xem thường.
- Văn cảnh: Đừng có mà tưởng bở nhé!
5. Bà cố: Mẹ của ông bà thì gọi là bà cố. Nhưng khi được giới trẻ dùng trong ngôn ngữ nói thì nghĩa đã hoàn toàn khác! Từ này đi theo sau 1 tính từ nhằm tăng giá trị của tính từ ấy lên gấp nhiều lần, đồng nghĩa với "quá trời", "quá chừng", "dễ sợ"... - người miền Nam dùng nhiều.
- Văn cảnh: Thằng đó xạo bà cố luôn! (tức là rất rất xạo!) / Ngu bà cố luôn! Image - Thuật ngữ "xạo bà cố" dường như còn nổi tiếng hơn cả "bó tay" vì đã xuất hiện trong plug in của Yahoo Messenger 8.0, dành riêng cho các chatter Việt Nam!
6. Buôn: Buôn tức là buôn bán, trao qua đổi lại. Còn trong giao tiếp người ngoài Bắc, thì nghĩa của nó là "buôn chuyện", tức là nhiều chuyện, tán dóc, tán phét những chuyện nhiều khi không phải của mình, dẫn đến lan truyền tầm bậy tầm bạ, có khi mang tiếng cho người khác. "Buôn chuyện" là còn nhẹ, nặng hơn là "buôn dưa lê" - "dưa" trong từ "dây dưa", "lê" trong từ "lê lết", mà trái "dưa lê" cũng có nghĩa của nó, ăn vào chả có vị gì cụ thể cả, nhạt thếch, phải ăn kèm với mắm muối. Thành ra "buôn dưa lê" chỉ hành vi nhiều chuyện ghê gớm, đáng ghét.
- Văn cảnh: Con nhỏ đó chuyên buôn dưa lê đấy, cẩn thận!
C
1. Chuối: cũng không rõ lắm vì sao lại chọn loại trái cây này để ngụ ý 1 việc gì đó, một sự vật nào đó hơi khó khăn, hơi vô duyên, khiến mình hơi không thoải mái, bực bội. Có lẽ xuất phát từ cảm giác đau, khó chịu khi... trượt vỏ chuối! Để hoàn thành được một công việc "chuối" thì rất vất vả, không sung sướng gì.
- Văn cảnh: Ôi cái hồ sơ này chuối thật đấy!
- Biến thể: củ chuối, chuối nải
2. Chua: chua thì sẽ nhăn mặt, giọng nói nhão nhoét thì gọi là "chua như giấm", công vệc khó khăn thì sẽ khến ta nhăn mặt, lắc đầu - cũng có nghĩa là chua.
- Văn cảnh: Cậu đi gặp giám đốc à? Chua lắm chứ tưởng đùa đâu!
3. Cào cào: dùng để chỉ 1 hành vi nhăng nhít, nhặng xị, rối tít mù lên khiến người khác buồn cuời hay bực bội
- Văn cảnh: loạn cào cào, khí thế cào cào.
4. Chết liền: bản thân cụm từ này đứng 1 mình thì gần như vô nghĩa, nhưng đi kèm với 1 từ chỉ mức độ "nhận thức" phía trước thì trở nên 1 từ thông dụng hiện nay, nhiều khi được dùng hơi bị lố, đó là "biết chết liền", "hiểu chết liền"... Nhớ không lầm thì thuật ngữ này xuất phát từ 1 tiểu phẩm của chương trình Gala cười đầu tiên. Từ đó đến nay nó trở thành 1 thuật ngữ bình dân, mang nghĩa phủ định, đồng nghĩa với KHÔNG. Được người trong Nam dùng nhiều.
- Văn cảnh: Nãy giờ nói có hiểu không? - Hiểu chết liền đó! (nghĩa là không hiểu chút nào hết, vì không thể "chết liền" được)
(Thanks Viking!)
5. Cưa: hay cổ hơn là "cua", chỉ quá trình chinh phục tình cảm của một người khác giới nhưng ít tính nghiêm túc và mối quan hệ ban đầu đặt ra không lâu dài (thường là chàng trai "cưa" cô gái). "Cưa" là sự chinh phục, tán tỉnh mang tính chủ định, đôi khi xuất phát từ 1 cuộc cá cược, khiêu khích của bạn cùng nhóm. Nếu "cưa" thành công thì có 1 đôi (thường là đôi ăn chơi) xuất hiện. Thời gian tồn tại của đôi này thì chỉ có trời mới biết.
- Văn cảnh: Tao mới cưa được 1 con nhỏ hay lắm!
- Đồng nghĩa và biến thể: cưa cẩm, cua.
D - Đ
1. Đú đởn: nghĩa gốc được dùng chỉ những người ăn chơi không lành mạnh. Nay được dùng cũng hơi nhiều trong giao tiếp thân tình để chỉ những cuộc chơi vui nhộn, hết mình (chứ không mang nghĩa xấu như trên).
- Văn cảnh: Chủ nhật này cả hội mình rủ nhau đi ăn chơi đú đởn đi!
2. Đạn: được dùng chỉ tiền, là tiếng lóng (giờ cũng ít dùng đến) khi giao dịch hay mượn tiền bạc của nhau.
- Văn cảnh: Anh còn đạn không bắn em vài băng!
3. Độc: thường đi kèm với 1 số danh từ thành ra "hàng độc, quán độc, đồ độc", để chỉ 1 thứ gì đó lạ, mới không giống bất kỳ của ai.
- Văn cảnh: Tên đó thường săn hàng độc không à!
4. Dở hơi tập bơi: đây chẳng qua là lối nói chơi chữ (lối nói này được người ngoài Bắc dùng khá nhiều), "tập bơi" được dùng cho vần với "dở hơi". Dở hơi nghĩa là không bình thường, nói hoặc làm gì đó vớ vẩn, khiến người khác bực mình. Hành vi "tập bơi" phần nào cũng nói lên sự nhắng nhít, loăng quăng.
- Văn cảnh: Thằng này dở hơi tập bơi à mày?
H
1. Hoành tráng: chỉ cái gì đó vượt hẳn hơn mức bình thường về hình thức (quá đẹp, quá hay, quá to...), tương đương với "nguy nga", "tráng lệ", "lộng lẫy", "huy hoàng"... Nhưng bây giờ cũng được dùng vô tội vạ, để khen nhau, để khích nhau (mang tính vui đùa thôi).
- Văn cảnh: Vừa mua xe à? Khao cho hoành tráng lên nhá!
K
1. Khoai: nghĩa nhẹ hơn là "chuối" 1 chút. Có nghĩa là không đến nỗi chua hay chát như chuối, cũng bùi bùi nhưng khó nuốt, lại dính răng. Để chỉ 1 việc nào đó hơi khó khăn nhưng cũng sẽ làm được.
- Văn cảnh: Cái kế hoạch này cũng khoai lắm đây!
2. Ky bo: keo kiệt, bủn xỉn, thường được người ngoài Bắc dùng.
- Văn cảnh: Không cho thì thôi làm gì mà ky bo thế!
L
1. Lăn tăn: hình ảnh chỉ bọt khí sôi lên trong nước. Nhưng khi dùng trong giao tếp, nghĩa lại khác - chỉ sự không thoải mái, hay lo nghĩ lung tung những thứ không đáng lo (ngoài Bắc dùng).
- Văn cảnh: Anh không vệc gì phải lăn tăn chuyện ấy. Cứ để em! (tức là "Anh đừng lo quá!")
N
1. Nấu cháo: không phải là công việc bếp núc đâu nhé! Từ này thường đi với từ "điện thoại" thành cụm từ "nấu cháo điện thoại" - chỉ hành vi nhiều chuyện kéo dài khi gọi đện thoại. Cơm nấu mãi thì nát ra thành cháo = nói chuyện điện thoại cà kê đủ thứ trên trời dười đất, thì cũng dẫn đến nát bét thời gian, tiền bạc (nói đến nỗi cái điện thoại cũng nát như cháo luôn).
- Văn cảnh: Khiếp, con bé đó nấu cháo suốt từ 7h đến tận 12h chưa xong!
2. Ngựa: là con vật chạy rất nhanh với hình dáng bên ngoài cũng rất đẹp, hùng dũng và gợi cảm. Là tiếng lóng, từ này được dùng khá xưa, chỉ hành vi điệu dàng, khoe mẽ, chải chuốt mất thời gian.
- Văn cảnh: Kìa, trông thằng đó ngựa chưa kìa!
P
1. Pờ rồ: gốc là từ Pro trong tiếng Anh, chỉ dân chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nào đó. Mặt trái lại, trong giao tiếp còn dùng để nói xỏ nhau, ám chỉ những người gàn gàn, dở dở, thích chứng tỏ mình giỏi giang, sành sỏi mà thực ra chả biết được bao nhiêu (có thể đọc ra thành "pờ zồ" ).
- Văn cảnh: Thằng này, công nhận mày pờ rồ nhỉ!
(Thanks BnW!)
R
1. Ruồi bu: hình ảnh 1 đám ruồi bu đen 1 cái gì đó cũng đủ gợi lên nghĩa của cụm từ này. Chỉ hành vi vô ích, vô tích sự, không ai quan tâm.
- Văn cảnh: Mày toàn làm chuyện ruồi bu không hà!
(Thanks Viking!)
T
1. Trâu bò: không phải để chỉ chính con trâu hay con bò nào, mà là chỉ sức khỏe 1 ai đó. Hện đại hơn, từ này để chỉ độ bền của 1 món đồ nào đó với 1 niềm tự hào của chủ nhân.
- Văn cảnh: Chiếc xe này chạy trâu bò lắm / Cái di động này pin trâu cực kỳ!
2. Tinh tướng: chỉ thái độ kiêu ngạo nhưng không có cơ sở thuyết phục, không xem ai ra gì, gây ra sự khó chịu cho người xung quanh.
- Văn cảnh: Mày đừng có mà tinh tướng nhá! (người ngoài Bắc hay dùng)
3. Tinh vi: chỉ thái độ một ai đó luôn thích tỏ vẻ am tường về mọi mặt, thích lên mặt dạy bảo nhưng kiến thức thì chẳng đến đâu. Thường dùng cùng với "tinh tướng".
- Văn cảnh: Thằng ấy ra vẻ tinh vi lắm cơ.
4. Té: nghĩa gốc tương đương với "ngã", mất thăng bằng và nằm ra đất ngoài ý muốn. "Ngã" là ngoài Bắc dùng, còn trong Nam dùng "té". Nhưng "té" theo nghĩa lóng thì lại dùng bởi người ngoài Bắc, chỉ một hành vi bỏ đi một mạch.
- Văn cảnh: Thôi xong chuyện rồi, té đi chúng mày!
(Thanks Mints!)
5. Tám: tức là con số 8. Ngày xưa, người miền Nam có tích về 1 bà nhiều chuyện không có việc gì làm cứ đi từ đầu phố đến cuối phố nghe ngóng chuyện người này rồi kể lại cho người kia, nhiều khi thêm mắm thêm muối thành ra sai bét. Dân tình xung quanh không ưa nên cứ nghe nhắc đến bà Tám là tránh, hoặc chuyện gì "trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã tường" thì thủ phạm đích thị là Bà Tám. Có tiểu phẩm hài dựng nên còn gọi nhân vật này là "Bà Tám lựu đạn sét" - tức là hay nổ, nói tầm bậy. Ngày nay từ này chỉ hành vi tán dóc, tán phét với nhau khi rảnh rỗi không có việc gì làm, do vậy mức độ cũng nhẹ đi phần nào. Từ này đồng nghĩa với "buôn dưa lê" mà ngoài Bắc hay dùng.
- Văn cảnh: Trời, coi tụi nó xáp vô là tám dữ chưa kìa!
V
1. Vãi: nghĩa gốc chỉ hình ảnh cái gì đó rời khỏi cái vật đang chứa nó vì quá đầy (thóc vãi khỏi khạp). Nhưng giờ đây được dùng để chỉ cái gì đó khỏe kinh khủng, tuyệt vời, khó tưởng tượng được, tràn trề, tràn đầy. Cũng được người ngoài Bắc dùng nhiều.
- Văn cảnh: Con xe này chạy khỏe vãi.
Biến thể: vãi hàng, vãi lúa.
2. Vô tư: từ này cũng không đặc biệt lắm, được dùng khá lâu - nghĩa là không suy nghĩ, không lo nghĩ. Khi ai đó nói "vô tư đi" có nghĩa là người đó thể hiện sự thoải mái, thật lòng với anh em bạn bè, không ngại ngần gì hết.
X
1. Xám hồn: hết hồn vì nể phục ai đó đã làm 1 điều lạ lùng, khó tưởng tượng. Gần nghĩa với sợ, nhưng là đùa vui.
- Văn cảnh: Trời đất, xám hồn chưa!
2. Xì tin: gốc từ tếng Anh = style - phong cách, phong thái. Biến thể tiếng Việt chỉ sự phù hợp, trẻ trung, nổi bật khác mọi ngày trong cách thể hiện ăn mặc, được dùng để khen, cổ vũ, khích lệ.
- Văn cảnh: Chà, hôm nay trông bồ xì tin quá ta!
(Thanks Viking!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét