Trích: "NHÂN QUẢ"
Tác giả BẠCH LIÊN
1971
www.thongthienhoc.com
CHƯƠNG THỨ NHỨT: CÁC TÔN GIÁO ĐỀU CÓ DẠY NHÂN QUẢ
CHƯƠNG THỨ NHÌ: VÀI THÍ DỤ VỀ NHÂN QUẢ
CHƯƠNG THỨ BA: BA THỨ QUẢ
QUẢ MUỒI - QUẢ TÍCH TRỮ - QUẢ ĐƯƠNG TẠO
Có ba thứ quả:
1/ Quả Muồi. Tiếng Phạn là Prarabdha, dịch ra tiếng Pháp là Karma mûr;
2/ Quả Tích trữ hay là Quả Chồng chất. Tiếng Phạn là Sanchita, dịch ra tiếng Pháp là Karma accumulé;
3/ Quả Đương tạo. Tiếng Phạn là Kriyamana, dịch ra tiếng Pháp là Karma en formation.
A . QUẢ MUỒI HAY LÀ ĐỊNH MẠNG.
Quả muồi là quả mà ta phải trả trong kiếp nầy, không thể dời lại kiếp sau, cũng như trái chín muồi thì rụng xuống, không còn dính ở trên cây được nữa.
Hai phần của định mạng.
Định mạng của đời người chia làm hai phần:
1.- Phần thứ nhứt, từ lúc còn ở trong bào thai cho tới khi lọt lòng mẹ.
2.- Phần thứ nhì, từ ngày lọt lòng mẹ cho tới khi bỏ xác.
PHẦN THỨ NHỨT: Đầu thai vào giống dân nào, nước nào, gia tộc nào, ở đâu, nam hay nữ, vóc giạc và diện mạo ra sao, thông minh hay đần độn, có khiếu về một hay nhiều môn, bị tật nguyền hay mắc một chứng bịnh di truyền của cha mẹ, hoặc thừa hưởng một tánh tốt của ông bà đã mở mang mà chưa có dịp đem ra áp dụng v.v… là những điều mà con người phải bó tay trước định mạng. Tuy nhiên, nếu biết định luật thì có thể sửa đổi được phần nào về diện mạo, sức khỏe và thêm một ít thông minh cho đứa nhỏ.
PHẦN THỨ NHÌ: Được cha mẹ thương yêu hay ghét bỏ, sung sướng hay vất vả, học hỏi mau thông hay chậm hiểu, lớn lên thường thành công hay thất bại, những bước thăng trầm trên hoạn lộ, những biến cố xảy đến thình lình, được những sự may mắn hay rủi ro, là số tiền định đã ghi sẵn.
Mặc dầu như vậy, có thể sửa đổi cái xấu ra cái tốt, nếu quả chưa đến.
NHỮNG ĐIỀU TA NÊN BIẾT VỀ SỰ TẠO RA HÌNH HÀI CỦA THAI NHI
Có ba công việc huyền bí liên quan đến sự tạo ra hình hài của thai nhi, tưởng người học đạo cũng nên biết, ấy là:
1.- Thứ nhứt: Quả muồi do các Đức Nam Tào Bắc Đẩu chỉ định.
2.- Thứ nhì: Hình Tư tưởng hay là Sứ giả của Tứ Đại Thiên Vương.
3.- Thứ ba: Công việc của Sứ giả và các Tiểu thần.
I: QUẢ MUỒI DO CÁC ĐỨC NAM TÀO BẮC ĐẨU CHỈ ĐỊNH.
Khi một Linh hồn sắp trở lại cõi trần đầu thai một lần nữa thì các Đấng Chí Tôn Nam Tào Bắc Đẩu xem xét: số quả của y đã gây ra trong kiếp mới rồi với những ai, số quả tích trữ của y và mức độ tiến hóa của y. Các Ngài mới lựa trong những quả đó một số quả, tốt có, xấu có, mà các Ngài xét rằng: với sức chịu đựng của y, y có thể thanh toán trong kiếp đó, và làm sao trong lúc y trả quả, y lại tiến lên một bực nữa.
Số quả nầy, ta gọi là ĐỊNH MẠNG. Xong rồi các Ngài mới làm ra một cái khuôn ghi một số quả của phần thứ nhứt.
II: HÌNH TƯ TƯỞNG HAY LÀ SỨ GIẢ CỦA TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG
Các Đức Nam Tào Bắc Đẩu giao khuôn nầy cho 4 vị Đại Thiên Thần cai quản 4 chất hay là 4 hành: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, và làm chủ 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người ta gọi là Tứ Đại Thiên Vương, (4 Maharajahs hoặc Chatour dévas), sự thật là có 7 vị.
Tứ Đại Thiên Vương mới sanh ra một hình tư tưởng, một thực thể linh động, tuân theo triệt để mạng lịnh của các Ngài.
Vị Sứ giả nầy lãnh trách nhiệm làm cái Phách của đứa nhỏ y theo cái khuôn của các Đức Nam Tào Bắc Đẩu đưa ra.
Công việc nầy xong xuôi rồi, các Tiểu thần mới coi theo cái Phách mà làm ra Xác thân của hài nhi, nhứt là cái óc và những dây thần kinh cho đúng với căn quả của nó.
Vẫn biết tinh trùng phối hợp với tiểu noãn mới đậu thai, song nếu không có bàn tay vô hình trợ giúp thì không khi nào thành ra một đứa bé, trai hay gái, có đủ mặt mũi, tay chơn, tóc tai, xương, thịt đâu. Họa chăng nói rằng: tại tinh trùng đực phối hợp với tiểu noãn đực mới sanh ra con trai, còn tinh trùng cái phối hợp với tiểu noãn cái thì sanh ra con gái? Nhưng thử hỏi: tại sao con gái lại khác hẳn con trai về vóc giạc, yểu điệu, mày liễu, má đào, môi son, răng trắng, giọng nói thanh tao, mái tóc đen huyền! Hoàn toàn bí mật.
Đứng riêng một mình mà nói thì vật chất không có quyền năng sanh hóa. Nó chỉ là dụng cụ của tinh thần mà thôi.
Phải mở thần nhãn, ngày đêm theo dõi công việc của Sứ giả và các Tiểu thần mới biết sự thật là thế nào. Người mới có thần nhãn, chưa kinh nghiệm, thấy Sứ giả như con búp bê ở trong lòng người mẹ, thì ngỡ là Linh hồn của đứa nhỏ.
Thường thường Sứ giả ở với đứa nhỏ 7 năm, nhiệm vụ của nó xong rồi thì nó hết sanh lực, nó tan mất. Chừng đó Linh hồn mới bắt đầu điều khiển xác thân và ở luôn trong mình đứa nhỏ, chớ trước đó, nó cứ nhập vô rồi xuất ra.
CÁI PHÁCH LÀ THỂ TỐI QUAN TRỌNG.
Cái Phách là thể tối quan trọng, bởi vì cái óc, các dây thần kinh và tất cả những cơ quan trong mình đều tùy thuộc cái Phách. Nếu cái Phách mảnh mai thì cái óc và các dây thần kinh đều mảnh mai, nếu cái Phách thô kệch thì thần kinh hệ và mấy bộ phận kia cũng thô kệch vậy.
Những sự thâu nhận của ngũ quan đều phải qua cái Phách, rồi cái Vía, mới tới cái Trí, và sự nhận thức của cái Trí cũng phải qua cái Vía, cái Phách rồi mới tới cái óc xác thịt.
Người nào có cái Phách mảnh mai thì học hỏi mau thông, và sẽ trình bày sự hiểu biết của mình một cách dễ dàng và rành rẽ, cũng như ánh sáng mặt trời dọi qua một tấm kiếng trong trẻo vậy. Trái lại, nếu cái Phách to sớ thì con người học hỏi chậm chạp, tục gọi là tối dạ, một bài học năm sáu bận mà chưa thuộc và một kinh nghiệm phải tái diễn nhiều lần mới lãnh hội được. Nói một cách khoa học, cái Phách mảnh mai mới ứng đáp được với những sự rung động mau lẹ, từ mấy cõi cao đưa xuống hay là từ cõi trần đưa lên. Nếu những sự rung động nầy xuyên qua một cái Phách thô kệch thì không có sự ứng đáp nào cả đặng truyền qua cái óc xác thịt, nghĩa là con người không nhận thức được cái chi hết.
SỨ GIẢ CỦA TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG LẤY CHẤT DĨ THÁI NÀO MÀ LÀM RA CÁI PHÁCH CỦA THAI NHI.
Ta biết rằng: cái Phách làm bằng chất dĩ thái hồng trần (éther physique).
Muốn làm cái Phách của thai nhi, Sứ giả của Tứ Đại Thiên Vương phải lấy chất dĩ thái trong cái Phách của cha mẹ. Tuy nhiên, Sứ giả phải coi theo lằn rung động ghi trong hột Lưu tánh nguyên tử, cũng gọi là Nguyên tử trường tồn của xác thịt (atome permanent physique) kiếp trước do Linh hồn đem theo mình trong kiếp nầy, đặng lựa phẩm chất của dĩ thái, hoặc tốt hoặc vừa vừa hoặc tầm thường, cho đúng với nhân quả của đứa bé. Nếu trong cái Phách của người mẹ chứa toàn là chất dĩ thái tốt, Sứ giả bị bắt buộc phải dùng chất dĩ thái tốt đó, mặc dầu trong nhân quả của đứa nhỏ chỉ ghi những chất tầm thường mà thôi.
Trái lại, nếu trong cái Phách của cha mẹ chứa toàn là những chất dĩ thái tầm thường thì dầu cho Sứ giả muốn tìm những chất dĩ thái tốt đi nữa, cho đúng với căn quả thì không biết phải làm thế nào, chung cuộc cũng bị bắt buộc phải dùng những chất tầm thường đó.
CÁI CHI CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI HÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG.
Hình tư tưởng của Tứ Đại Thiên Vương chịu hai ảnh hưởng: một cái trực tiếp, một cái gián tiếp.
a.- Ảnh hưởng trực tiếp.
Ảnh hưởng trực tiếp do cha mẹ của hài nhi gây ra, nhứt là người mẹ. Một cơn nổi nóng thoáng qua, một ý muốn quấy quá, một tư tưởng hèn hạ, một phút dục tình sôi nổi, một cơn sợ hãi, buồn bực, và nhứt là sự giao hiệp cũng đủ gây ra sự rối loạn của Hình tư tưởng nầy. Nó nhảy ra khỏi vòng của nó đương xây dựng, nó sẽ trở lại khi hết cơn sóng gió, nhưng công việc của nó cũng bị trở ngại một phần nào rồi.
b.- Ảnh hưởng gián tiếp.
Ấy là quả chung (cộng nghiệp) của gia đình, xã hội, quốc gia, chủng tộc, như ảnh hưởng thuộc về đời sống tổng quát của dân chúng, những sự khuyết điểm của đồng bào, những truyền thống xã hội, tôn giáo, chánh trị v.v… Đó là những luồng sóng thanh khí ầm ầm nổi dậy, ngày đêm đánh vào bờ bến của đời sống thế gian, không nghỉ, không ngừng.
Ít ai biết rằng: trước khi con người sanh ra, và sau khi mở mắt chào đời, những hiệu quả đó đã ghi vào thân thể mình rồi và án mắt mình, không cho thấy sự thật, cũng như mang kiếng màu mà xem cảnh vật vậy.
THAI GIÁO LÀ PHƯƠNG PHÁP CẢI THIỆN PHẦN SỐ CỦA HÀI NHI.
Hiểu được vai tuồng trọng hệ của cái Phách, những điều có ảnh hưởng tới Hình tư tưởng của Tứ Đại Thiên Vương thì ta có thể tránh được những tai hại cho nòi giống, và tạo được hạnh phúc cho con cái của mình.
Thuở xưa, các bực tiền bối thông hiểu đạo lý nên bày ra: Phương pháp Thai giáo để cải thiện được số mạng của hài nhi phần nào.
Thai giáo gồm hai phương diện:
Một là: Phương diện vật chất.
Hai là: Phương diện tinh thần
a/ Phương diện vật chất.
1.- Cữ giao hiệp-
Trước nhứt là cữ giao hiệp. Khi người phụ nữ biết mình có thai rồi thì nên chấm dứt sự giao hiệp. Nếu không được một cách tuyệt đối thì cũng nên hạn chế, ít chừng nào tốt chừng nấy, đặng tránh sự động thai, hay là hư thai, làm hư hỏng công việc của Sứ giả của Tứ Đại Thiên Vương.
Ngày nay, trên mặt địa cầu, dám chắc chỉ có một giống dân tộc thật hiện được việc cữ giao hiệp khi người phụ nữ mang thai mà thôi. Ấy là những người Hounza, khỏe mạnh nhứt thế giới, giữ đúng phép vệ sanh, không đau ốm và trường thọ, không có giống dân nào bì kịp mặc dầu là rất văn minh tiến bộ.
NGƯỜI HUNG ZA
Người Hung Za (Hounza) là một giống dân tộc có lẽ thuộc về giống A ri den (Aryen), giống thứ năm, là giống da trắng, ở phía Bắc xứ Cachemire, trên núi cao từ 1600 tới 2500 thước, quanh năm tuyết phủ và thuộc về miền nam cao nguyên Pamir. Họ sống lâu năm, rất khỏe mạnh, trọn đời không bịnh hoạn. Tánh họ rất vui vẻ, thuận hòa, siêng năng, sạch sẽ, rộng rãi, kiên nhẫn và dường như họ không biết mệt nhọc và sợ hãi là sao. Trong các cuộc hành trình không có một khó khăn nào có thể làm cho họ thốt lời than phiền, hay chấp nhận một sự viện trợ nào. Họ mang gánh nặng đồ vật trên vai thế mà họ nhanh nhẹn như con beo, leo mau trên vách đá thẳng đứng của sườn núi.
Đi gấp rút từ Baltit, thủ đô xứ Hounza, tới Gilgit đồn Anh gần hơn hết, cách nhau 100 cây số, trải qua những đèo, đặng đem tin tức rồi trở về liền; chạy tức tốc tới Taschkougan bên Tây Tạng, cách đó 230 cây số trở về một mạch, trải qua những con đường mòn dốc thẳng xuống và những đèo cao, về tới nhà trầm tĩnh và nhẹ nhàng như lúc mới ra đi, đối với những người Hung Za, những thành tích như thế là tầm thường.
Nói tóm lại họ đủ các tánh tốt của đời văn mình tối cổ và người văn minh hiện kim rất thèm thuồng và chưa được như ý nguyện.
Xin xem thử vài việc mà hiện giờ khắp hoàn cầu chưa dân tộc nào làm được.
“… Một khi thiếu phụ biết mình có thai rồi thì liền từ giã gia đình ở chung với bọn đàn bà con nít, còn anh chồng thì đến ở đậu với những trai chưa vợ. tới chừng nào đứa con thôi bú; vợ chồng mới hiệp nhau như trước. Theo tục lệ thì đứa con trai ba năm mới dứt sữa, còn con gái thì hai năm; nếu đứa kế đó sanh ra trước hai hay ba năm và nó giành sữa với anh hay chị nó thì người ta chê bai nhục nhã rằng nó là đứa con ngoại tình và người ta khinh khi cặp vợ chồng đó.
Đứa nhỏ được hai tuổi thì nó biết đi, người ta giao nó cho anh hay chị lớn hơn nó hai ba tuổi, đai nó trên lưng và coi sóc nó. Nếu là đứa con đầu lòng thì anh em cô cậu hay chú bác giữ dùm. Tới bốn tuổi, đứa trẻ được tự do, anh em trong nhà luôn luôn hòa thuận với nhau không hề có việc cãi cọ, rầy rà hay là gây gổ nhau.
Không có ai phạm tội ngoại tình hay tà dâm. Cũng không có trộm cướp. Thật là thuần phong mỹ tục. Họ cũng có vua và quan vậy nhưng không hề nghe nói dân chúng thán oán. Xứ họ mới thiệt là cõi thiên đàng tại thế.”
2.- Chọn lựa thực phẩm và thuốc men-
Xác thân và cái Phách thanh hay trược, tùy thuộc thức ăn uống và quan trọng nhứt là tình cảm và tư tưởng. Trường chay được thì tốt, bằng không thì bỏ thịt cá và ăn rau cải, gạo lứt, muối hột, cữ những món cay nóng, độc địa.
Phải hoạt động hằng ngày, nhưng đừng làm những công việc nào nặng nhọc quá sức, chớ nên nhón gót với lên cao. Phải cẩn thận trong lúc đi đứng.
Có thai từ ba tháng sắp lên nên dùng thuốc tễ dưỡng thai. Thang Thập nhị hay Thập tam Thái bảo của Tàu rất hiệu nghiệm. Dùng đúng sức thuốc thì chừng lâm bồn mau lẹ, ít đau bụng, đứa nhỏ sanh ra mạnh dạn.
Thuốc Tây cũng rất hay. Tùy phương tiện. Nhưng dầu sao, khi dứt uống thuốc hay chích thuốc Tây thì nên dùng thuốc Bắc. Hiệu quả chắc chắn.
b/ Phương diện tinh thần.
Phần tinh thần nầy thật tối quan hệ. Ấy là tình cảm phải trong sạch, tư tưởng phải thanh cao. Nói cho đúng phép, người đàn bà có thai phải ở trong một hoàn cảnh tốt đẹp, vui tươi, không có một mảy bợn nhơ xen vào. Trước mặt không thấy những cảnh tượng hãi hùng, gớm ghiếc, thương luân bại lý, bên tai không nghe những tiếng thô lỗ, cộc cằn, tục tĩu, rủa sả, chưởi mắng…
Trong lòng người mẹ phải luôn luôn vui vẻ và chứa những ý tưởng nhơn từ, đừng bao giờ nóng nảy phiền hà. Mỗi ngày nên mỗi đọc những sách Luân lý Đạo đức, xem những chuyện trung, hiếu, tiết, nghĩa.
Giữ được như thế thì lẽ tự nhiên, trừ một vài trường hợp bất khả kháng, đứa nhỏ sanh ra phải xinh đẹp, khôn ngoan, tánh tình rất tốt, dầu sao cũng hơn mức trung bình rất xa.
PHONG TỤC BÊN ẤN ĐỘ THUỞ XƯA
Thuở xưa, bắt đầu từ khi người đàn bà có thai cho tới trước ngày sanh, bên Ấn Độ, người ta có tục lệ bày ra những cuộc cúng kiến và đọc những bài kinh, những câu thần chú, khi trầm khi bổng, nghe rất êm tai, để nâng cao tâm hồn người mẹ và giúp cho Hình tư tưởng của Tứ Đại Thiên Vương làm cái Phách của đứa nhỏ cho thật tốt.
Ngày nay tục lệ đó lần lần tiêu mất hết rồi. Đáng tiếc lắm vậy.
Người không học Đạo cho mấy việc nầy là dị đoan, điên rồ, chớ đâu có ngờ rằng: Người xưa thông hiểu Luật Trời và áp dụng nguyên tắc “mỗi tiếng rung động đều làm thay đổi tâm hồn” đặng sửa đổi phần nào số mạng của đứa nhỏ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Dưới đây là hai câu chuyện để chứng minh rằng tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với bào thai.
I: Cô Ruth J. Wild có một đứa con gái được giải thưởng trong một cuộc đấu sắc đẹp có nhiều cô gái nhan sắc tuyệt trần đến dự, thuật lại chuyện cô như vầy:
“Trước khi sanh nở ra, tôi trải qua một thời kỳ khó khăn và đau khổ. Tôi ở lẻ loi một mình, nhưng mà tôi nhứt định, đứa con của tôi sanh ra phải tuyệt đẹp.
Tôi thường đến viếng Bảo tàng viện Brooklyn, ngồi ngắm nghía tượng Nữ Thần Vénus và thần Adonis. Luôn luôn tôi đem theo mình cái bìa của một tờ tạp chí có một đầu hình rất đẹp, do nhà mỹ thuật Boileau vẽ ra, và trong trí tôi luôn luôn hình dung đứa con của tôi sẽ sanh ra.
Tới kỳ tôi nằm chỗ thì tôi sanh ra một đứa con gái và quả nhiên, cái điều tôi mơ mộng và ước ao đã thành sự thật; nó đã làm ra một đứa nhỏ đẹp nhứt trên đời.
Tới kỳ tôi nằm chỗ thì tôi sanh ra một đứa con gái và quả nhiên, cái điều tôi mơ mộng và ước ao đã thành sự thật; nó đã làm ra một đứa nhỏ đẹp nhứt trên đời.
Mấy vị Bác Sĩ tuyên bố rằng: từ đó đến giờ chưa thấy một đứa bé nào như nó. Có một vị biết tôi nghèo khổ nên chịu cho tôi 20 ngàn đô la đặng bắt lấy nó. Nhưng dầu cho đem hết vàng bạc trên thế gian đặng bắt lấy nó, tôi cũng chẳng chịu. Tôi biết tôi đã thành công. Tôi thấy gương mặt nó giống hệt bức tranh của nhà mỹ thuật Boileau, còn hình vóc nó un đúc theo những lằn đẹp của những thần tượng mà tôi đã thường ngắm.”
II: Trường hợp thứ nhì là chuyện của cô Virginia Knapp. Cô có một đứa con gái tên Dorothée, được giải thưởng Nữ thần Vénus Mỹ châu, trong một cuộc đấu sắc đẹp tại Madison Square Garden.
Cô nói: “Trong khi có thai, tôi rất thích chú ý đến những sắc đẹp thiên nhiên và tôi thường năn nỉ cảnh vật cho con tôi được một phần cái đẹp của Tạo Hóa. Tôi dám chắc con tôi dung mạo đẹp đẽ là nhờ ý chí cương quyết của tôi, trước khi sanh nó ra, chớ không phải tại dòng giống.”
Cũng vì mấy lẽ trên đây mà mấy bà mẹ Hi Lạp thuở xưa, có thói quen, thường ngày ngắm những hình tượng xinh đẹp và mấy ông già bà cả của chúng ta thường dặn con cháu gái: “Một khi mang con vào dạ thì phải đi đứng ngay thẳng, lời nói phải thanh bai, không nên đi xem hát bội vì sợ thấy tướng Phiên, mặt mày vằn vện đâm ra sợ hãi, rồi sau sanh con ra diện mạo xấu xa”. Thật đúng vậy.
SỬA ĐỔI SỐ MẠNG CỦA NHỮNG TRẺ TỪ LÚC MỚI LỌT LÒNG CHO TỚI KHI LỚN KHÔN BẰNG CÁCH GIÁO DỤC THEO PHƯƠNG PHÁP ĐẠO ĐỨC
Phải săn sóc và nuôi dưỡng hài nhi một cách hết sức kỹ lưỡng, cho thật đúng phép vệ sanh và nhứt là hết lòng thương yêu nó.
Chớ nên lầm tưởng đứa nhỏ mới sanh ra là một tờ giấy trắng tinh, muốn viết chữ nào hay vẽ hình chi cũng được. Nó đã có không biết bao nhiêu tiền kiếp, mỗi khi tái sanh, nó đều đem theo mình mầm mống của những tánh của nó đã rèn luyện trong những kiếp quá khứ, tốt có, xấu có. Nếu nó gặp hoàn cảnh tốt đẹp, nghĩa là từ cha mẹ đến anh em trong nhà đều hiền lương, tư tưởng và tình cảm thanh cao thì ảnh hưởng nầy cảm đến mầm mống của những tánh tốt, làm cho chúng nở nang mau lẹ; những mầm của tánh xấu không có đồ ăn thì phải héo mòn: lần lần rồi tiêu mất.
Phải giáo dục nó theo phương pháp Đạo đức, từ trong lời nói, từ trong cử chỉ, từ trong cuộc chơi, một cách ngon ngọt dịu dàng, thì lớn lên nó sẽ thành ra một người tốt lành, dầu không phải là một bực vĩ nhơn, chớ cũng tiến hóa hơn người thường rất nhiều.
Trái lại, nếu chung quanh đứa nhỏ toàn là những người nóng nảy, giận hờn, tham lam, ích kỷ, đắm mê vật dục thì những tư tưởng và tình cảm xấu xa nầy nuôi dưỡng mầm mống các tánh xấu, cho chúng nó đâm chối nảy tược mau lẹ, còn mầm mống của các tánh tốt bị hao mòn. Lớn lên đứa nhỏ sẽ hư thân mất nết, bị những trận cuồng phong của cuộc đời lôi cuốn, chưa ắt có những dịp may hay cơ hội tốt để trở lại con đường quang minh chánh đại một cách dễ dàng.
Nói một cách khác, cái Trí và cái Vía của trẻ thơ thu hút những tư tưởng và những tình cảm, bất cứ loại nào, cũng như bông đá hút nước. Vậy chớ nên cho trẻ con lân la với những đứa thất giáo, chúng sẽ nhiễm những thói hư tật xấu một cách mau lẹ, sau khó mà sửa chữa lắm. Dầu cho có cải thiện được cũng phải mất một thời gian khá lâu trên cả chục năm.
Điều hay hơn hết là trong khoảng từ một đến mười bốn tuổi, đứa trẻ nên được ở vào một hoàn cảnh, không phải là Thần Tiên, nhưng mà tương đối là thanh tịnh, trong bầu không khí tốt đẹp, vui vẻ thuận hòa.
Nhưng tiếc thay, vì đời sống quay cuồng của xã hội hiện tại, thật là không dễ mà tìm được một chỗ như ý nguyện; tuy nhiên, ta cứ cố gắng tạo ra một khung cảnh thuận tiện cho sự tiến hóa của trẻ thơ, được điều nào hay điều nấy.
B. QUẢ TÍCH TRỮ.
Từ khi thoát kiếp thú đầu thai làm người lần đầu tiên cho tới bây giờ, trong kiếp nầy, con người gây ra không biết bao nhiêu Quả, nhưng dám chắc là dữ nhiều lành ít, bởi vì chúng ta còn vô minh.
Nếu Thiên đình bắt ta phải trả một lần một những quả xấu đó thì chắc chắn xác thân ta chịu đựng không nổi, nó phải chết trước ngày giờ đã định. Hơn nữa có nhiều thứ quả cần phải có nhiều xác thân khác nhau và hợp với nó mới trả được.
Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta, ở những kiếp quá khứ đã gây ra những quả báo, xấu có, tốt có, với cả trăm, cả ngàn người khác mà họ không phải đi đầu thai một lượt với chúng ta. Có người xuống trần trước và đã qui thần khi chúng ta mới mở mắt chào đời. Có người còn ở cõi Trung giới hay cõi Thượng giới, chưa trở lại thế gian. Có người sanh ra đồng thời với chúng ta song ở nước khác, cách xa cả chục ngàn cây số, trọn đời không hề gặp nhau.
Chúng ta cũng nên biết rằng: Dầu đối diện với nhau Mà Chưa Đúng Ngày Giờ Trả Quả, thì cũng không có việc thanh toán những mối nợ nần cũ đâu.
Thế nên, trong mỗi kiếp chúng ta chỉ trả một số ít quả cũ vừa sức ta, tùy theo trình độ tiến hóa của ta và đồng thời ta còn tạo thêm những quả mới khác nữa.
Vì vậy luôn luôn có Quả Tích trữ. Tới chừng nào ta sắp bước vào cửa Đạo thì ta mới được nhồi quả.
Sau khi đệ tử được ba lần điểm đạo, làm một vị A na hàm (Anagamin) hay là được 4 lần điểm đạo làm một vị La Hán (Arhat) tùy theo trường hợp riêng biệt của mỗi người, thì phải trả cho sạch những Quả Tích trữ còn lại. Rồi từ đó mới nhẹ mình đặng mau bước tới mục đích cuối cùng là được 5 lần điểm đạo làm một vị A sơ ca, toàn giác, toàn năng và toàn thiện, không còn học hỏi cái chi trên dải địa cầu nầy nữa.
Vị A sơ ca đã qua hàng Siêu phàm và còn lo tiến hóa thêm mãi.
C. QUẢ ĐƯƠNG TẠO.
Quả đương tạo là những quả của ta gây nên ở kiếp nầy do tự do ý chí của ta.
Ba nguyên nhân gây ra quả đương tạo là:
1/- Tư tưởng;
2/- Ý muốn và Tình cảm;
3/- Lời nói và việc làm.
Những quả nầy có ảnh hưởng rất lớn, chúng có thể sửa đổi số phần của ta kiếp nầy và chỉ định số phần của ta kiếp sau nữa. Thế nên ta cần phải hiểu rõ hiệu quả của chúng, vì chính là mỗi người trong chúng ta đều cầm số mạng của mình trong tay.
1/- Tư tưởng.
Tư tưởng con người có hình dạng và màu sắc. Màu sắc nầy tốt đẹp hay xấu xa tùy theo bản tánh của tư tưởng hiền lành hay hung dữ. Hình tư tưởng là một sanh vật, nó cũng mạnh, cũng yếu, cũng sống lâu, cũng thác yểu, cũng khôn ngoan, cũng quỉ quyệt; nói tóm lại con người có tánh nào thì Hình tư tưởng có tánh đó. Nó vâng theo ý muốn của con người sanh ra nó và nó rất trung thành. Bảo nó làm cái chi thì nó làm cái đó, không hề từ chối, không hề sai chạy. Tội hay phước về phần chủ nó chịu, chớ nó không lãnh một trách nhiệm gì cả.
Tư tưởng có ảnh hưởng to tát đối với sự tiến hóa hay là sự thoái hóa của con người và kiếp số của dân chúng trên địa cầu mà ít ai hiểu và cũng ít ai tin. Bây giờ ta hãy xem xét coi tư tưởng xấu và tư tưởng tốt làm hại và làm lợi như thế nào.
Sự hại của tư tưởng xấu
a/- Ta hại ta trước hết.
Một tư tưởng xấu nảy sanh trong trí ta thì cái hiệu quả của nó ra sao?
Trước hết tư tưởng xấu vừa bay lên trên không trung thì liền đó cái Trí ta rút những tư tưởng xấu đồng bản tánh với nó vô, làm cho một phần chất khí tốt của nó bay ra ngoài nhường chỗ cho chất khí xấu tới thay thế.
Nếu ngày nầy qua ngày nọ, trí ta chứa đầy chất khí xấu thì màu sắc của nó tối thui. Người có mắt Thánh dòm vô sẽ thấy một cảnh tượng đau thương buồn bực.
Những chất khí đó còn làm ra một cái vỏ thành kiến khiến cho ta chỉ thấy chỗ xấu của người khác hay là tật hư nào đó. Thành kiến nầy che khuất ánh sáng Chơn lý cho nên sự xét đoán của ta rất sai lầm, không đúng với thật tế, mà trái lại ta cứ tự đắc là ta hay, ta giỏi hơn người.
Như thế ta hại ta trước hết.
b/- Ta gây tai hại cho những người ở chung quanh.
Tư tưởng xấu của ta đi đâu? Nó vô trí của những người ở chung quanh ta, nó ở trong trí của người nầy vài phút rồi qua trí của người kia và mỗi lần nó tạm ghé vào trí của ai thì nó xúi trí của người đó sanh ra một tư tưởng xấu như nó vậy.
Rồi thì 4 giai đoạn xảy ra:
Một là: Người đó thêm sức cho nó trở nên mạnh mẽ hơn trước rồi thả nó ra đặng nó đi phá hại kẻ khác;
Hai là: Tấn tuồng diễn ra lúc trước sẽ lặp lại, nghĩa là trí của y sẽ rút những tư tưởng xấu khác đồng bản tánh vô và một phần chất khí tốt trong trí y bay ra ngoài;
Ba là: Tư tưởng xấu của y sanh ra còn đi khuấy rối kẻ khác nữa, rồi cứ như thế tiếp tục mãi ngày nầy qua ngày kia, năm nầy qua năm nọ.
Bốn là: Nhưng cái tai hại không phải bao nhiêu đó mà thôi đâu. Nếu trong lòng người bị nhiễm có tánh xấu như ta đã tưởng thì tư tưởng của ta tăng sức mạnh cho tánh xấu đó làm cho người bị nhiễm càng ngày càng xấu thêm.
Trái lại, người bị nhiễm không có tánh xấu như ta tưởng thì tư tưởng của ta rán tạo cho y có tánh xấu đó.
Chúng ta không phải là những bậc Thánh nhơn, Hiền triết, cho nên trong lòng còn chất chứa những mầm của tật hư nết xấu.
Nếu không có những tư tưởng xấu tới đánh thức chúng nó thì lâu ngày chúng nó sẽ héo mòn rồi lần lần tiêu mất, kiếp sau không trở lại nữa. Trái lại nếu chúng nó bị những tư tưởng ở ngoài vô kích thích, không khác nào vun phân tưới nước thì chúng nó bắt đầu sống dậy rồi càng ngày càng trở nên mạnh mẽ; điều nầy cũng như than vùi dưới đống tro tàn chưa tắt hẳn, gặp đồ bổi thì nó phát cháy bừng lên. Chúng nó làm hại con người chẳng phải nội một kiếp mà còn tới kiếp sau nữa.
Tôi xin đem một thí dụ cho quí bạn xem:
Một người kia cố oán, muốn trả thù cho đã nư giận, nhưng y chưa kịp hành động. Nếu trong lúc đó ai lại khuyên can y, dùng lời hơn lẽ thiệt nói cho y nghe thì chắc chắn y sẽ bỏ ý định trả thù hay là giảm bớt sự hành hung. Trái lại nếu trong lúc đó có một tư tưởng phục thù khác xông vô trí y thêm sức mạnh cho ý muốn của y, tức thì y hành động liền không còn ngày giờ suy nghĩ kịp nữa. Rồi thì có án mạng hay là thương tích xảy ra, câu chuyện thương tâm nầy kéo dài không biết tới mấy kiếp mới dứt tuyệt.
Biết như vầy mới thấy câu “Oan gia nên gỡ không nên kết” và “ Lấy oán báo oán, cái oán chẳng dứt” rất đúng. Tục nói: “Đừng cầm dao dá, sợ quỉ giục chém bất tử.”
Không phải là chuyện dị đoan đâu, lời nầy rất hữu lý. “Quỉ” đây là tư tưởng ác tới xúi.
Bây giờ ta hãy thử nghĩ: ngày nầy qua ngày nọ, nhân nầy sanh ra quả kia, rồi quả kia thành ra nhân nọ, cứ nối tiếp nhau mãi, thì một tư tưởng xấu mà ta cho là chuyện nhỏ mọn, mảy mún không đáng kể chẳng cần quan tâm đến, không bao lâu sẽ thành ra một tai họa lớn lao cho đời.
Cũng vì vô minh mà thiên hạ mỗi ngày rải lên trên không trung cả chục ngàn triệu hình tư tưởng mà có lẽ tới 98 phần trăm là những tư tưởng xấu xa, ích kỷ, thì lẽ tự nhiên sự đau khổ của con người chưa biết tới chừng nào mới tiêu tan.
c/- Cái tai hại thứ ba là ta thêm một sự đau khổ cho đời khi ta sanh ra một tư tưởng xấu.
Ta nên biết những tư tưởng đồng bản tánh thì hiệp lại với nhau và làm ra một Hình Tư Tưởng rất lớn, ấy là một hình Liên Hiệp Tư Tưởng, pháp môn đặt tên là Egrégore.
Trên không trung có không biết bao nhiêu hình Liên Hiệp Tư Tưởng, tốt có, xấu có, lành có, dữ có. Nói tóm lại, hễ con người có bao nhiêu tánh tốt và tánh xấu thì có bao nhiêu hình Liên Hiệp Tư Tưởng. Những hình Liên Hiệp rất mạnh mẽ, sống lâu, cũng khôn ngoan và quỉ quyệt vậy. Có nhiều hình Liên Hiệp Tư Tưởng sống tới cả muôn cả ngàn năm rồi. Những hình Liên Hiệp Tư Tưởng xấu xa là những vị Hung Thần, thường gieo tai họa cho đời, gây ra những chiến tranh giặc giã và làm cho đất sụp, nước dâng, đồng khô cỏ cháy, dân chúng đói rét lầm than, mắc nhiều chứng bịnh hiểm nghèo lạ lùng sanh ra bất ngờ, thình lình.
Đó không phải là Trời gieo tai họa cho con người, mà chính là con người tự chuốc lấy cái đau khổ cho mình và đây là cội rễ của Cộng Nghiệp mà tôi sẽ giải tới:
Thật là: “Có Trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc…”
Tu là cội phúc…”
Trái lại, những hình Liên Hiệp Tư Tưởng lành là những vị Phúc Thần hằng ban ân huệ cho đời, giúp con người cải ác tùng thiện và mau bước tới cửa Đạo.
Cõi Trần đã bị những hình Liên hiệp Tư tưởng xấu xa phá hoại rồi, bây giờ ta sanh thêm một tư tưởng xấu nữa, không khác nào lửa đương cháy phừng phừng mà ta cứ thảy củi vô mãi thì tới bao giờ nó mới tắt.
Quả thật, mỗi lần ta sanh ra một tư tưởng xấu, tức là ta thêm một sự khổ cho đời.
Giá trị của tư tưởng lành.
Tư tưởng ác làm hại bao nhiêu thì tư tưởng lành lại làm lợi bấy nhiêu, nhưng mà thường thường hiệu quả của một tư tưởng lành mạnh gấp mười lần và tùy theo thứ tự, cả trăm, cả ngàn lần cho tới cả triệu lần một tư tưởng xấu, bởi vì tư tưởng tốt hành động ở trên mấy cảnh cao siêu, còn tư tưởng xấu hoạt động ở mấy cảnh thấp thỏi.
Mỗi lần ta sanh ra một tư tưởng lành, ta làm được ba việc ích lợi một lượt.
1.-Trước nhứt là ta tập cho cái trí của ta thanh cao.
Trái với lúc ta tưởng quấy, mỗi lần ta tưởng tới một điều lành, thì cái trí ta rút những tư tưởng lành khác đồng bản tánh với nó và đồng thời một phần chất khí xấu trong trí ta bay ra để nhường chỗ cho chất khí tốt ở ngoài vô thay thế.
Cách xua đuổi một tư tưởng xấu.
Lúc mới tập luyện, cái trí còn lau chau cho nên nó bị nhiều tư tưởng xấu xâm nhập vô. Ta phải xua đuổi chúng nó ra lập tức. Nói thì nghe dễ quá, nhưng nếu không biết phương pháp thực hành thì đó là một điều cực kỳ khó khăn.
Thí dụ có một việc làm cho ta nổi nóng. Nếu ta nói: “Tôi không nổi nóng, tôi không nổi nóng”, cả trăm lần như vậy, ta cũng không hết nóng giận. Mà lại còn thấy mệt ngất nữa vì ta ra sức chống chỏi với tánh xấu. Ta sẽ thấy ta bất lực.
Phải nói như vầy: “Tôi vui vẻ và ôn hòa” và nhớ tới tánh vui vẻ và ôn hòa! Ta nói vài ba lần như vậy thì ta không còn nóng giận nữa. Tư tưởng nóng giận bị tư tưởng vui vẻ và ôn hòa đuổi ta khỏi trí mà ta không phí sức nữa. Cái nguyên tắc đó như vầy: Dùng tư tưởng tốt đối lập đặng chống chỏi với tư tưởng xấu thì ta sẽ thành công. Cái trí không thể chấp chứa hai tư tưởng một lượt.
Tôi xin kể ra đây vài tư tưởng đối lập với nhau:
1.- Tư tưởng chân chính ngay thật đối lập với tư tưởng xảo trá, gạt gẫm.
2.- Tư tưởng từ bi bác ái đối lập với tư tưởng hung dữ, ác nghiệt.
3.- Tư tưởng can đảm đối lập với tư tưởng nhát sợ.
4.- Tư tưởng vị tha đối lập với tư tưởng ích kỷ.
5.- Tư tưởng thanh khiết đối lập với tư tưởng ô trược.
6.- Tư tưởng khoan dung đối lập với tư tưởng gắt hiểm.
7.- Tư tưởng nhẫn nại đối lập với tư tưởng nản chí.
8.- Tư tưởng khiêm tốn đối lập với tư tưởng kiêu căng v.v…
Nếu mỗi ngày ta đều nuôi dưỡng tư tưởng từ bi bác ái, và những tư tưởng trong sạch chỉ trong 7- 8 năm như vậy thì cái trí chứa nhiều chất khí tốt, nó sẽ mở mang lớn ra và rất xinh đẹp. Hơn nữa ta còn dùng được một phần cao siêu của cái trí. Phần nầy chỉ có những tư tưởng thanh cao mới cảm đến được mà thôi.
2.- Ta giúp ích cho những người ở chung quanh ta.
Tư tưởng tốt của ta vô trí những người ở chung quanh khuyên họ sanh ra những tư tưởng tốt đồng bản tánh với nó, và khai mở những mầm của các tánh tốt còn tiềm tàng ở trong lòng họ. Nó cũng giúp họ bắt đầu dùng được một bộ phận mới mẻ của cái trí nữa. Họ sẽ thưởng thức được không biết bao nhiêu tư tưởng thanh cao mà xưa nay họ không ngờ là có. Rồi tới phiên họ, họ sẽ sanh ra những tư tưởng tốt khác để cảm hóa những người khác.
3.- Ta giúp đỡ cho đời bớt đau khổ.
Tư tưởng lành của ta còn nhập vô hình Liên hiệp Tư tưởng lành đồng bản tánh với nó và thêm sức mạnh cho Hình Tư tưởng nầy.
Hình Liên hiệp Tư tưởng là một vận hà để chuyển đi ánh sáng và thần lực ở mấy cõi trên xuống Hồng trần đặng làm giảm bớt sự đau khổ của con người.
2/- Quả báo của ý muốn và tình cảm.
Ý muốn và tình cảm cũng có hình dạng và màu sắc như Hình Tư tưởng. Chúng chia ra nhiều thứ, tốt có, xấu có. Quả của chúng gây ra cũng như quả của Tư Tưởng.
Thật ra ít có Hình Tư Tưởng thuần túy, hầu hết đều có pha trộn tình cảm và ý muốn vô trong.
3/- Quả báo của lời nói.
Các nhà Huyền bí học đều biết rằng: Vũ trụ nhờ âm thanh tạo ra. Thế nên tiếng nói có một uy lực phi thường. Đáng lẽ mỗi lời nói của ta thốt ra đều phải chơn chánh, dịu dàng và hữu ích, nếu không đủ ba điều kiện nầy thì tốt hơn là thầm lặng, nín thinh.
Chỉ vì con người không thông luật Trời cho nên không biết dùng lời nói cho đúng phép. Thô lỗ, cộc cằn, mắng nhiếc, rủa sả, nói hành, nói vu, hỗn láo, xấc xược thì gây ra những quả xấu cho thân thể của mình sau nầy.
Đọc sử sách ta vẫn thấy một lời nói có thể gây dựng giang san và một lời nói cũng có thể tan tành sự nghiệp.
Thuở xưa, trong một cổ miếu có hình một người bịt miệng ba lần. Đây người xưa có ý dạy chúng ta phải cẩn ngôn và cẩn hạnh một lượt. Tuy nhiên, bịt miệng chưa phải là đủ, có khi phải bịt luôn cả hai lỗ tai và hai con mắt nữa.
(Còn tiếp)
http://www.thongthienhoc.com/sach%20nhan%20qua.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét