Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Vì Sao Ăn Chay: Phỏng vấn Bác sĩ Bùi Đắc Hùm - Phần 4 (Ăn chay & Khoa học) & Kết luận

Bác học Albert Einstein là người ăn chay.
"Không điều gì lợi ích hơn cho sức khỏe của loài người và gia tăng cơ hội sinh tồn của đời sống trên Địa Cầu bằng sự tiến hóa đến một lối ẩm thực chay."

 
Part 4 – and conclusion – of VHN-TV interview with Dr. Bùi Đắc Hùm on vegetarianism from a scientific perspective.

Đài truyền hình VHN phỏng vấn Bác sĩ Bùi Đắc Hùm: Phần 4 (Ăn chay & Khoa học) & Kết luận.

*Có người cho rằng cấu tạo của con người thích hợp cho sự ăn chay hơn là ăn mặn, xin Bác sĩ cho biết ý kiến.

Bác sĩ Bùi Đắc Hùm: Trước hết người ta quan sát về tay và mồm của loài người. Răng của loài người được cấu tạo môt cách đặc biệt giống như răng của các loài động vật ăn thảo mộc, được Tạo Hóa sáng chế một cách khéo léo để nghiền và nhai nát các thức ăn. Loài người và loài động vật ăn thảo mộc không có răng cửa và răng nanh bén nhọn và đủ sức mạnh như loài động vật ăn thịt, nhưng có răng hàm và xương quai hàm để nhai theo cử động chiều ngang và qua lại.

Ngược lại loài động vật ăn thịt có răng nanh rất bén nhưng không có răng hàm và xương quai hàm. Do đó khi ăn thịt, chúng chỉ xé và nuốt trộng luôn chớ không hề nhai. Bàn tay của loài người không có móng vuốt sắc bén nên chỉ dùng để lặt rau và hái trái, trong khi loài động vật ăn thịt có móng vuốt rất bén và rất mạnh để vồ mồi và xé thịt.

Còn sự tiêu hóa thì sao?

Trong bao tử của loài động vật ăn thịt, dịch tiêu hóa chứa đến 20 lần lượng hydrochloric acid nhiều hơn ở trong bao tử của loài động vật ăn rau quả và loài người. Sự khác biệt chủ yếu trong bộ phận tiêu hóa của loài động vật ăn rau quả và loài người với loài động vật ăn thịt là đường ruột, nơi thức ăn được tiêu hóa để biến thành dưỡng chất rồi được hấp thụ vào máu.

Một miếng thức ăn bằng thịt chẳng qua chỉ là một phần nhỏ trong xác chết của một con vật. Dĩ nhiên sau khi màng ruột đã tinh lọc lấy chất dinh dưỡng rồi, chất cặn bã còn lại sẽ tích lũy lâu trong cơ thể và sẽ sinh ra nhiều độc tố, nguyên nhân và mầm móng gây ra các bệnh tật nguy hiểm.

Loài thú có thói quen ăn thịt có đường tiêu hóa chỉ dài gấp 3 lần chiều dài của cơ thể. Trong khi đó đường tiêu hóa của loài người và loài động vật ăn rau quả thì dài gấp 12 lần chiều dài của thân thể. Vì thế chất cặn bã ở trong ruột của loài thú ăn thịt sẽ được bài tiết ra ngoài nhanh chóng hơn. Trong khi đó chúng sẽ ở lại trong ruột của loài người và loài động vật ăn thảo mộc lâu hơn. Chính vì thế mà chúng có cơ hội sanh ra độc tố nhiều hơn. Thận phải làm việc vô cùng vất vả nhưng vẫn không đủ khả năng để thanh lọc hết các độc tố trong máu. Đối với người trẻ tuổi thận còn khỏe nên chưa có hề hấn gì. Tuy nhiên đối với người trọng tuổi thận đã suy yếu, nên dễ sinh ra các chứng bệnh hiểm nghèo hơn.

*Bác sĩ cho biết về ích lợi của sự ăn chay về phương diện khoa học.


Bác sĩ Bùi Đắc Hùm: Tại hội nghị quốc tế lần thứ ba về ăn chay và dinh dưỡng hồi năm 1997, các khoa học gia đã trình bày rất nhiều cuộc khảo cứu liên quan đến việc so sánh tỷ số các bệnh nhân chết vì bệnh tim mạch giữa những người ăn thịt và những người ăn chay trường. Kết quả ghi nhận số người ăn chay chết vì bệnh tim mạch có tỷ lệ 38% thấp hơn những người ăn thịt đã chết vì bệnh này.

Giáo sư Gary Fraser thuộc trường Đại học Loma Linda đã theo dõi để nghiên cứu về sức khỏe của 34.192 tín đồ của giáo phái ăn chay trường đạo Cơ Đốc (Seventh Day Adventist Church) ở California trong vòng 13 năm và đã ghi nhận rằng tất cả những người ăn chay trường đều có sức khỏe và ít khi bệnh hoạn hơn người ăn thịt.

Như vậy ta có thể nói rằng thịt cá không có ích lợi mà trái lại có hại cho sự dinh dưỡng con người?

Một số thành kiến cho rằng thức ăn chay sẽ không thể nào bù đắp vào chỗ thiếu sót chất prtotein cần thiết trong cơ thể của con người, vì chất protein này chỉ có nhiều trong thịt gia súc mà thôi. Một số người khác thì cho rằng chất protein thực vật không có tính cách tương đồng để thay thế chất protein động vật. Vậy thì loài trâu, bò, ngựa và voi... đâu có ăn thịt mà vẫn có đầy đủ chất protein và luôn khỏe mạnh bình thường.

Thực ra chất protein gồm có 22 amino acids. Trong số đó chỉ có 8 loại là cần thiết cho nhu cầu của cơ thể con người và đều đã hàm chứa đầy đủ trong các loại ngũ cốc và rau đậu. Đôi khi số lượng còn nhiều hơn các thực phẩm bằng thịt đã biến chế nữa. Một cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Fred Stare thuộc viện Đại học Harvard và tiến sĩ Marvyn Hardinge của Đại học Loma Linda bằng cách so sánh giữa hai nhóm người ăn chay và ăn thịt. Kết quả cho thấy rằng nếu được ăn uống đầy đủ thì chất lượng amino acids trong cơ thể của họ đều gấp đôi nhu cầu cần thiết.

* Sau đây là một sự so sánh nho nhỏ về thành phần chất protein trong đồ ăn:
100g thịt bò chứa 20g chất protein.
100g phó-mát chứa 25g protein.
100g đậu nành chứa đến 34g chất protein.

Sự so sánh cho thấy thành phần dinh dưỡng của đồ chay không kém mà có thể nhiều hơn đồ mặn, nhưng có người cho rằng, trẻ em muốn có sự tăng trưởng tốt đẹp thì phải ăn mặn. Xin Bác sĩ cho biết ý kiến.

Bác sĩ Bùi Đắc Hùm: Qua nhiều cuộc khảo cứu, các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy ăn chay giúp ích rất nhiều cho sự phát triển thể chất và trí thông minh của đứa trẻ. Những trẻ con ăn chay trường thường tăng trưởng cân đối và khỏe mạnh hơn những trẻ con ăn thịt. Những đứa bé được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ phù hợp với cách thức nuôi nấng tự nhiên nên cơ thể có đặc tính miễn nhiễm đối với nhiều loại bịnh tật cũng mạnh hơn các đứa bé được nuôi bằng sữa bò hay sữa hóa học đặc chế.

Khi đứa bé được ba tháng tuổi, nếu vì sự bất tiện nào đó mà người mẹ không thể cho con bú được có thể thay thế bằng sữa đậu nành vì loại sữa này tốt hơn các loại sữa đặc chế khác. Sữa bò thường gây cho đứa bé bị tiêu chảy và một số dị ứng. Tuy nhiên sữa đậu nành được bày bán tại các tiệm tạp hóa hay tiệm thực phẩm không phải là sữa dùng cho trẻ con mà phải tìm mua tại các tiệm dược phẩm đàng hoàng và loại sữa phải phù hợp với số tuổi cùng thể trạng của đứa bé.

Mức độ chất sắt trong cơ thể của đứa bé trong ba tháng đầu kể từ ngày sinh nở thường rất cao, nên không cần cho trẻ con bồi dưỡng thêm chất sắt ngoại trừ có sự khuyến cáo của bác sĩ. Nhiều bằng chứng cho thấy thặng dư chất sắt trong cơ thể sẽ làm cho hệ thống miễn nhiễm bị suy yếu nên dễ sinh ra các loại bịnh tật. Tuy nhiên khi đứa trẻ càng lớn thì chất sắt rất cần thiết cho sự tạo thành các hồng huyết cầu.

Các loại đậu và lá của các loại rau xanh hàm chứa khá nhiều chất sắt. Ngoài ra sinh tố C trong rau cải và trái cây tươi có khả năng kích thích sự hấp thụ chất sắt cho cơ thể. Sữa bò tuy có nhiều chất bổ dưỡng nhưng thành phần chất sắt rất ít.

Nguồn calcium từ thực vật cũng rất dồi dào. Chính các loại đậu và lá rau xanh mới là nguồn cung cấp calcium thiên nhiên và đầy đủ cho cơ thể.

Trẻ con rất cần protein cho sự tăng trưởng, nhưng không cần phải ăn thịt động vật. Các loại ngũ cốc, rau đậu và trái cây là nguồn cung cấp protein dồi dào. Chúng ta chỉ cần ăn nhiều loại trái cây và rau cải khác nhau thì không sợ thiếu protein và sinh tố.

Trẻ con cần nhiều chất béo hơn người lớn. Đậu nành có khả năng đáp ứng trọn vẹn cho nhu cầu này. Tuy nhiên thặng dư chất béo lại là một điều không tốt. Khá đông trẻ em ở Hoa Kỳ hiện nay đã bị các chứng bệnh phì mập, bệnh tim mạch trước khi hoàn tất chương trình trung học. Trái lại ở Nhật Bản, tỷ số trẻ em bị bệnh phì mập và bệnh tim mạch rất thấp so với Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

Sinh tố B12 hàm chứa rất nhiều trong thực phẩm thuộc nhóm cốc loại (cereals) đã chế sẵn được bày bán đầy đủ tại các siêu thị hoặc tại các tiệm thực phẩm. Thực ra lượng sinh tố B12 cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là 3 microgram. Tiêu chuẩn này có thể đạt được dễ dàng nếu được ăn chay đầy đủ.

Trẻ con cũng cần ánh nắng mặt trời để tạo ra sinh tố D cho xương được rắn chắc. Ở dưới lớp da của mỗi người đều có một chất gọi là tiền sinh tố D (ergosterol). Một khi tiếp nhận được ánh nắng da sẽ chuyển hóa chất tiền sinh tố D đó thành sinh tố D thật sự và hữu ích cho cơ thể.

Điều cần yếu là sự ăn uống có phương pháp và điều độ sẽ làm cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh và kéo dài được tuổi xuân.

Những trẻ em nào chuyên ăn các loại thịt nướng, các thức ăn chiên xào bởi các tiệm thực phẩm bán thức ăn vội (fast food) thường là bệnh nhân của các bệnh tim mạch và ung thư trong một tương lai rất gần. Trong khi đó các nghiên cứu cho thấy những trẻ em ăn chay trường ban đầu phát triển chậm hơn, nhưng sau đó tăng trưởng rất nhanh, đồng thời cũng sẽ bắt kịp tầm vóc của một con người khỏe mạnh theo tiêu chuẩn sức khỏe.

*Xin Bác sĩ cho biết ảnh hưởng của ăn chay trên sự thông minh.

Bác sĩ Bùi Đắc Hùm: Theo sách Food For Life của Bác sĩ Neal Barnard, năm 1980 tại Boston, các nhà nghiên cứu đã đo lường chỉ số thông minh IQ của các trẻ em ăn chay trường đều thấy trên mức trung bình. Chỉ số thông minh trung bình là 116. Do đó các bậc cha mẹ khỏi phải lo lắng khi thấy con cái của mình đã ăn chay vì lý do sức khỏe hay tín ngưỡng vì nó không ảnh hưởng gì xấu cho sự học vấn của chúng cả. Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy thịt động vật không có giúp ích gì cho sự phát triển của não bộ mà chỉ có các loại thực vật như lúa mạch, đậu nành, rong biển, củ cà rốt, giấm táo (apple cider vinegar), mè, cam, chanh, quít, bưởi là những thức ăn cần thiết cho sự dinh dưỡng và tăng cường trí thông minh.

Sinh tố B1 là thành phần dinh dưỡng không thể thiếu của tế bào não. Sinh tố B1 có trong lúa mạch, trái khổ qua, chỉ xại (tử thái), gạo lứt và các loại rau. Gần đây người ta cũng phát hiện ra rằng sinh tố C tăng cường sự hoạt động của hệ thần kinh.

*Xin Bác sĩ cho biết về cách thức ăn chay.

Bác sĩ Bùi Đắc Hùm:

-Nhóm rau củ: Nhóm rau củ cung cấp cho chúng ta rất nhiều dưỡng chất cần thiết như sinh tố C, beta-carotene, riboflavin (Sinh tố B2), chất sắt, chất calcium, chất xơ (fibre) và nhiều loại chất bổ dưỡng khác. Các chất dinh dưỡng này thường tìm thấy trong các loại rau cải có lá màu xanh đậm như cải bông xanh (broccoli), cải bẹ dầy (spinach)... Đặc biệt những lọai rau củ có sắc vàng sậm và vàng cam như củ cà rốt, trái squash, khoai lang, và bí rợ cung cấp cho chúng ta một số lượng dồi dào về chất beta-carotene.

-Nhóm cốc loại: Nhóm này gồm có bánh mì, gạo, bắp, hạt kê (millet), lúa mạch (barley) và lúa kiều mạch (oats). Thường thì cốc loại không nên chà trắng để còn giữ được trọn vẹn chất bổ dưỡng thiên nhiên. Đối với gạo thì đã có gạo lứt và bánh mì thì có bánh mì lứt (tức whole meal bread) bày bán đầy đủ trên thị trường. Cốc loại chứa nhiều chất xơ giúp điều hòa sự tiêu hóa, tránh táo bón và ngừa được chứng ung thư ruột già, ruột cùng và bao tử.

-Nhóm trái cây: Nhóm này phần lớn chứa nhiều sinh tố C, beta-carotene, chất xơ... Mỗi ngày ít nhất chúng ta phải ăn một lần trái cây. Đặc biệt cam, chanh, quít và bưởi chứa nhiều sinh tố C, một loại sinh tố giúp cơ thể chống lại nhiều loại bệnh tật như bệnh cảm cúm. Sinh tố C cũng còn được các nhà khoa học Pháp gọi là sinh tố của sức mạnh hay sinh tố của sự cố gắng (vitamines de l’effort).

-Nhóm đậu: Nhóm này gồm các loại đậu có màu xanh mà chúng ta thường dùng như đậu Hòa Lan, đậu đũa, đậu que.... Đậu nành cũng thuộc nhóm này và thường được chế biến dưới dạng đậu hủ, tương, chao và sữa vân vân. Ngày nay sữa đậu nành được bày bán trong các siêu thị có nhiều loại rất tốt và bổ dưỡng vì nó đã được pha chế thêm sinh tố và các chất dinh dưỡng khác theo đúng nhu cầu của cơ thể.

Tóm tắt lại:
  • Sự ăn chay là một phương thức thể hiện tình thương yêu và sự công bình.
  • Ăn chay giúp cơ thể khoẻ mạnh và ngừa được những chứng bệnh nguy hiểm.
  • Ăn chay giúp các quốc gia tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi sinh có thể tránh mọi xung đột xã hội.
  • Ăn chay không những có lợi ích cho cá nhân, mà còn cho xã hội, nhân loại, chúng sanh nữa. Nếu ai ai cũng ăn chay thì thế giới này làm gì có tiếng rên siết vì chết oan của loài vật và tiéng than thở, đau đớn của người vì nạn tương tàn, tương sát.
Người ăn chay là một chiến sĩ của hòa bình. Thật vậy người ăn chay, với một tâm từ bi vô lượng, coi muôn loài là mình, mình là muôn loài, không giết hại sanh vật để thỏa mãn dục vọng, không bao giờ nỡ tâm tàn sát đồng loại để đạt mục đích lợi danh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...